Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cơ hội và vận hội mới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp mong muốn được nghe nhiều hơn chia sẻ cách thức vượt khó khăn, cách tận dụng cơ hội mới tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2020 (Vietnam CEO Forum 2020) với chủ đề “Chuỗi giá trị toàn cầu: Dòng chảy mới - Cá có hóa rồng?” do Hội Doanh nhân trẻ TPHCM phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu, Câu lạc bộ Doanh nhân 2030, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.
Tham dự có Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Dương Anh Đức cùng hơn 1.000 doanh nhân và các nhà hoạch định chính sách, đại diện gần 40 câu lạc bộ, hiệp hội trên toàn quốc.
Theo ông Don Lâm - Đồng sáng lập - Tổng giám đốc Tập đoàn Vina Capital, có khoảng 20% số nhà sản xuất có mặt tại Trung Quốc muốn rời khỏi nước này do Covid-19 và chiến tranh thương mại, nhưng không phải ai cũng tới Việt Nam. Kết quả nhiều cuộc khảo sát trong thời gian gần đây cũng cho thấy, nếu các nhà máy sản xuất chuyển ra khỏi Trung Quốc thì sẽ chuyển sang khu vực Đông Nam Á, Mexico và Mỹ.
Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng bị cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực về chính sách thu hút đầu tư, thị trường, giá đất công nghiệp, nguồn lao động... mà trong đó Indonesia có lợi thế không nhỏ. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp phải nâng cao năng lực để hội nhập, cần ưu tiên đến việc tính toán bảo vệ dòng tiền của mình trong dài hạn lẫn ngắn hạn.
“Doanh nghiệp Việt Nam có một điểm yếu là mình thành công việc gì đó, ngay lập tức mở rộng ra công việc khác mình không chuyên nghiệp. Ví dụ như địa ốc, doanh nghiệp Việt Nam nào cũng muốn làm địa ốc hết. Tôi nhiều lần khuyên các doanh nghiệp cần tập trung làm tốt và làm một việc thôi, học hỏi thêm đối tác doanh nghiệp nước ngoài để nâng cấp sản xuất, sản phẩm mình lên. Từ đó, làm mạnh thị trường Việt Nam mình trước, rồi mở rộng sang nước ngoài”, ông Don Lâm cho biết.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam nhìn nhận nguy cơ lớn nhất trong khủng hoảng không phải là tác động của khủng hoảng, mà là tư duy ứng phó với khủng hoảng theo lối mòn của các doanh nghiệp hiện nay. Do đó, nhà lãnh đạo kiên tâm, quản trị công ty minh bạch và hiệu quả, có chiến lược hướng đến phát triển bền vững: “Vấn đề là kinh doanh ngành nào, lĩnh vực gì, sản phẩm dịch vụ gì tùy thuộc vào năng lực gồm nội lực và nguồn lực, bao gồm tài chính, lãnh đạo, con người. Sự thành công nằm ở sự phát triển vừa và đúng phù hợp với năng lực và phát triển cách bền vững, nếu không thì “thuyền to, sóng cả”".
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trước khi kết nối với các tập đoàn toàn cầu thì các doanh nghiệp Việt cần phải bắt tay, kết nối nhau, hỗ trợ nhau vượt bão Covid-19.
Doanh nhân Việt Nam có thể không nhanh nhất, giỏi nhất nhưng phải có khát vọng. Đây cũng chính là yếu tố giúp kinh tế Việt Nam vượt qua những giai đoạn khủng hoảng trước đây.
Nói về cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam từ các hiệp định được ký kết, chuyên gia này nhận định, tất cả các Hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước, có thể thấy Việt Nam có nhiều lợi thế, cơ hội lẫn vận hội để “cá hóa rồng”, do đó doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian này phải biết khôn khéo chọn và chơi với đúng đối tác.
“Rất nhiều sân chơi, nhưng nguyên tắc xuất xứ là khác nhau. Các bạn chọn thị trường phù hợp với năng lực của mình để tiến dần. Hiểu nguyên tắc xuất xứ là quá trình đầu tư để đáp ứng được để nội lực và nội địa hóa đáp ứng được, như vậy giá trị gia tăng cao hơn. Nó cũng là điều kiện để thuế suất 0%, nhưng cũng là cách nghĩ để lựa chọn đối tác của thị trường, nó cũng là cách nghĩ để đầu tư, đó chính là cơ hội”, Tiến sĩ Võ Trí Thành lưu ý.
Các chuyên gia cũng nhận định, hiện nay, một trong những yếu tố khá quan trọng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp là khả năng tiếp cận của doanh nghiệp về những chính sách hỗ trợ của nhà nước; khả năng cải tiến về sự khác biệt khoa học công nghệ và đồng vốn tái đầu tư của doanh nghiệp.