Chờ...

Chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp: Nói dễ làm khó

 (VOH) - TPHCM hiện có hơn 280.000 hộ kinh doanh cá thể. Đây được xem là đối tượng chính để phát triển thêm số lượng doanh nghiệp lên 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này còn nhiều thách thức.

Nguồn lực nhiều

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 500.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Để đạt mục tiêu này, hiện các cơ quan chức năng của thành phố đang khuyến khích và tích cực vận động các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp. 

Thống kê của Cục Thuế TPHCM cho thấy, số hộ có tiềm năng để vận động lên doanh nghiệp hiện nay rất lớn, gồm hơn 420 hộ sử dụng từ 10 lao động trở lên, 14.800 hộ có sử dụng hóa đơn và hơn 21.000 hộ có doanh thu từ 50-100 triệu đồng/tháng trở lên tùy theo quận huyện. 

Trong đó, nhiều hộ kinh doanh ăn uống có quy mô lớn, nộp thuế 300-350 triệu đồng/tháng hoặc những quán cà phê, ăn uống có số thuế nộp từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/tháng. Chắc chắn đây sẽ là những hộ được ưu tiên khi kêu gọi chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp. 

Theo Cục Thuế TP, việc chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho các hộ trong quá trình hoạt động. Theo đó, doanh nghiệp được nhà nước bảo hộ quyền kinh doanh, bảo hộ tài sản thương hiệu, bảo đảm tính pháp lý khi giao kết hợp đồng, tạo uy tín trong kinh doanh. Đặc biệt, việc đóng thuế của doanh nghiệp sẽ rõ ràng, minh bạch và mang lại lợi ích cho người kinh doanh hơn. 

Ông Lê Duy Minh – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP cho biết: “Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khi chuyển đổi sẽ có cơ chế nộp thuế theo tỉ lệ thuế giá trị gia tăng và tỉ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy cũng rất nhẹ nhàng trong việc kê khai thuế, và đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Tức là sử dụng hóa đơn, tính thuế trên hóa đơn và như vậy có tỉ lệ ưu đãi tốt hơn”.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển 60.000 doanh nghiệp trong năm 2017 và kế hoạch phát triển 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm lưu ý rằng phải lựa chọn số lượng và có bước đi hết sức cụ thể trong việc vận động chuyển đổi hơn 280.000 hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp. 

Theo ước tính của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp đăng ký mới của TP sẽ vào khoảng 13 – 15% trong năm 2017. Nghĩa là không cần có thêm biện pháp gì thì năm nay TP cũng có khoảng 40.000 – 43.000 doanh nghiệp mới.

Nhưng hộ kinh doanh không muốn chuyển

Việc chuyển đổi doanh nghiệp hiện diễn ra khá chậm. Ông Lưu Trung Hòa - Phó Chủ tịch UBND quận 1 - địa phương có chỉ tiêu 2.300 hộ kinh doanh lên doanh nghiệp trong năm nay - cho biết trên địa bàn hiện có khoảng 1.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 2 tỉ đồng/năm, trong đó có 421 hộ có mức thuế đóng trên 100 triệu đồng/năm với các ngành nghề ăn uống, thương mại như bán máy tính, rượu bia, điện thoại, điện tử... 

Sau khi triển khai chương trình vận động hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp, quận đã khảo sát 500 hộ kinh doanh ngành nghề ăn uống, khách sạn, may mặc... đang hoạt động, nhưng đến nay mới chỉ có 8 hộ chuyển đổi thành doanh nghiệp.

“Chúng tôi không thể áp dụng biện pháp hành chính để ép họ, bởi vì họ đang làm ăn được với vai trò là hộ kinh doanh, cứ để họ làm ăn và đóng thuế. Mình chỉ có thể vận động chuyển đổi chứ nếu ép họ thì họ tuyên bố là nghỉ kinh doanh” – ông Hòa cho hay.

Lý giải vì sao hộ kinh doanh còn ngần ngại khi chuyển đổi lên doanh nghiệp, anh Nguyễn Tiến Mạnh, chủ cửa hàng thời trang tại quận 1 chia sẻ: mỗi năm, doanh số bán hàng đạt khoảng 200 triệu đồng, chủ yếu là khách lẻ, không có nhu cầu về hóa đơn tài chính. Bản thân chủ cửa hàng cũng không cần pháp nhân của doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng nên không nhất thiết phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. 

Hơn nữa, trở thành doanh nghiệp, người kinh doanh sẽ phải thực hiện nhiều quy định hơn như: báo cáo thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phòng cháy chữa cháy, đồng nghĩa với việc tăng chi phí. 

“Khó khăn của chúng tôi là mới thành lập, còn nhiều khó khăn về vốn, quản lý nhân sự… mà thủ tục chuyển đổi lên doanh nghiệp thì còn rườm rà, bất cập, gây khó khăn cho những hộ muốn chuyển đổi. Nói thật nếu chuyển lên doanh nghiệp cũng có những vướng mắc về thuế, nhân sự nên chúng tôi chưa muốn chuyển đổi” – anh Mạnh cho biết thêm.

Anh Nguyễn Sỹ Thọ, kinh doanh lâu năm về vật liệu xây dựng tại quận 3 thì cho hay, dù đã có thời gian tham khảo quy định về việc trở thành doanh nghiệp nhưng không chỉ phức tạp về thủ tục hành chính, mà ngay cả công tác tư vấn cũng khiến anh chưa hài lòng.

Anh Thọ chia sẻ: “Cán bộ trực tiếp làm lĩnh vực ấy cần có đủ kỹ năng để tiếp xúc với người dân, vì dân ở đây có nhiều thành phần, trình độ. Có người nghe xong thì quên, có người đang nghe còn chẳng hiểu. Vì thế phải làm sao truyền đạt cho người dân dễ hiểu nhất, họ được lợi ích gì khi lên doanh nghiệp. Khi họ có lợi ích mà thuận lợi nữa thì đương nhiên sẽ tự nguyện chuyển đổi”.

Chẳng dễ gỡ khó

Trước những băn khoăn, ngần ngại của người dân, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, nếu không bám sát để tư vấn cho người dân, giải thích cho họ rằng tham gia chuyển đổi sẽ có lợi ích gì thì họ sẽ không biết. 

“Phải có những người có trình độ, hiểu được Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiểu được quy trình vay vốn, cung cấp mặt bằng, hiểu được những ưu đãi đối với những hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp để đến phổ biến, giải thích cho người dân. Chứ tư vấn cũng không có thì làm sao người ta hiểu. Mà nguyên tắc là người ta thấy có lợi thì mới vào, chứ còn hiện nay họ vẫn thấy đứng ngoài thì tiện hơn” – theo ông Thân.

Về việc chuyển đổi doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho rằng: “Chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp phải trên quan điểm tạo điều kiện tốt nhất, chứ không phải làm khó bà con, ép bà con để đạt được mục đích. Chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể phải làm từng bước và hết sức thận trọng”.

Để tránh tình trạng nhiều hộ kinh doanh cá thể đã đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp nhưng lại không chuyển đổi, các cơ quan chức năng cần sớm đánh giá trên cơ sở thực tế những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi; đồng thời, nghiên cứu đưa ra chế tài đối với những hộ kinh doanh cá thể đã đủ điều kiện nhưng cố tình không chuyển thành doanh nghiệp. 

Bên cạnh những giải pháp trên, các ngành chức năng cũng cần chỉ rõ những lợi ích lâu dài sau khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp. Chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp là xu hướng lành mạnh, bài bản để cạnh tranh và vươn ra hội nhập quốc tế, đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.