Chuyên gia nói gì về tình hình nợ công của Việt Nam hiện nay?

VOH - Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo cho thấy, tính đến cuối năm 2023 nợ công của Việt Nam khoảng 3,8 triệu tỷ đồng, chiếm 37% GDP.

Tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện tại đang phản ánh điều gì? Có tác động thế nào đến kinh tế - xã hội? VOH trao đổi với chuyên gia kinh tế Phan Thế Hải.

Chuyên gia nói gì về tình hình nợ công của Việt Nam hiện nay? 1
Nợ công của Việt Nam hiện khoảng 37% - Ảnh: Bộ Công thương

*VOH: Ông nhận xét thế nào về tình hình nợ công của Việt Nam hiện nay? Những yếu tố nào tác động trong năm 2023?

Chuyên gia kinh tế Phan Thế Hải: Nợ công như trên là con số tích cực trong bối cảnh năm 2023 nhiều khó khăn. Trong quá khứ có thời điểm, nợ công của VN tăng lên hơn 60%, tưởng chừng sắp nằm trên mép vực.

Nợ công chiếm 37% GDP là con số thấp hơn nhiều so với mức trần mà Quốc hội đề ra 60%. Trong cơ cấu nợ công, nợ của Chính phủ chiếm khoảng 34% GDP, cũng thấp hơn nhiều so với mức trần 50%. Cơ cấu nợ đang dịch chuyển theo hướng tích cực. Dư nợ trong nước tăng lên và nợ nước ngoài giảm dần.

Những yếu tố ảnh hưởng tới nợ công của Việt Nam năm 2023, theo tôi thứ nhất là kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Điều này dẫn đến chi tiêu của Chính phủ nhiều lên.

Năm 2023, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, như đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Năm 2023, GDP tăng khoảng 5%, dù thấp hơn mục tiêu 6,5% của Quốc hội, nhưng vẫn là con số đáng khích lệ. VN vượt qua hầu hết các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á.

Yếu tố ảnh hưởng thứ hai là lãi suất huy động vốn của Chính phủ cơ bản vẫn duy trì ở mức thấp trong năm 2023. Điều này giúp giảm chi phí trả nợ.

Nợ công thấp tạo ra dư địa nhiều để tiếp tục vay thêm vốn, nhằm tăng đầu tư vào các dự án dân sinh, nâng cấp đường xá - cầu cống, phát triển mạng lưới viễn thông và nhiều lĩnh vực khác có tác động tích cực tới kinh tế xã hội.

Tuy nhiên nợ công thấp cũng phản ánh một thực tế, là thời gian qua tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều địa phương chưa như mong đợi. Do vậy nhu cầu vay thêm vốn không thực sự cao ở một số lĩnh vực.

*VOH: Ông đánh giá thế nào về khả năng trả nợ của Việt Nam trong thời gian tới?

Chuyên gia kinh tế Phan Thế Hải: Tôi nghĩ đây là vấn đề không quá lo ngại. Kinh tế VN tiếp tục tăng, Chính phủ sẽ có thêm nhiều nguồn thu để trả nợ. Năm 2023, dù xuất khẩu có yếu hơn năm 2022, nhưng thặng dư thương mại lại cao, trên 20 tỷ USD. Đây cũng là điểm sáng đáng chú ý.

Việt Nam ngày càng trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng tại Đông Nam Á. Do vậy, sẽ luôn có hàng hóa để đưa ra bên ngoài. Nợ công của quốc gia ở khía cạnh nào đó cũng giống như một gia đình. Sẽ không quá lo lắng nếu số nợ ít hơn giá trị tài sản đang sở hữu. Ngoài ra, trong nhà lại luôn có sẵn rau củ quả mỗi ngày đem bán để thu tiền về.

*VOH: Hiện nay nợ công của VN chủ yếu sử dụng cho mục đích gì thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Phan Thế Hải: Nợ công của VN hiện nay sử dụng chủ yếu cho 4 mục đích. Thứ nhất là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là mục đích quan trọng nhất, chiếm khoảng 50% tổng dư nợ. Đầu tư cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện đời sống người dân.

Thứ hai là cung cấp dịch vụ công. Ví dụ giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Các dịch vụ này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.

Thứ ba là chống biến đổi khí hậu. Ví dụ các dự án phát triển năng lượng tái tạo, tái chế rác, đổi mới công nghệ thân thiện hơn với môi trường và hỗ trợ hàng trăm ngàn người dân bị ảnh hưởng mỗi năm bởi mưa bão hay hạn hán.

Thứ tư là trả nợ cũ. Thường một phần, khoảng trên dưới 10% sẽ được dùng để trả nợ cũ, bao gồm nợ của Chính phủ và nợ của các chính quyền địa phương.

Chính phủ Việt Nam thời gian qua cũng có nhiều giải pháp để đảm bảo sử dụng nợ công hiệu quả. Ví dụ tăng cường thẩm định các dự án trước khi giao vốn; chuyển dần việc cấp phát vốn từ ngân sách nhà nước sang cho vay, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; đẩy mạnh thực hiện các dự án PPP, nhằm thu hút nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển.

Sử dụng nợ công hiệu quả, là một trong những cách tốt nhất củng cố sự phát triển bền vững cho đất nước. Đây là chiến lược xuyên suốt của chúng ta trong những năm vừa qua.

*VOH: Nợ nước ngoài giảm dần, có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện na, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Phan Thế Hải: Một điểm lưu ý trong báo cáo vừa qua của Bộ Tài chính, là nợ công nước ngoài của Việt Nam đang giảm. Đây là dấu hiệu tích cực. Điều này cho thấy, Chính phủ đang quản lý vấn đề nợ công hiệu quả. Giảm nợ công nước ngoài sẽ giảm rủi ro vỡ nợ.

Nợ công nước ngoài là khoản nợ các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Nợ công nước ngoài đi xuống, nguy cơ vỡ nợ giảm, tăng uy tín của Chính phủ trên trường quốc tế và có thể thu hút thêm đầu tư.

Ngoài ra còn giảm chi phí trả nợ bao gồm lãi suất và phí trả nợ. Nợ công nước ngoài cũng phụ thuộc vào tỷ giá ngoại tệ. Dư nợ có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào giá trị loại tiền tệ mà chúng ta mắc nợ. Ví dụ nhiều quốc gia vay nợ bằng đồng USD, khi USD tăng giá so với nội tệ, nghĩa là khoản nợ đang phình to.

Đây là điều một số quốc gia đang phát triển rất lo ngại. Nợ công nước ngoài giảm, thì chi phí trả nợ cũng giảm, giúp tăng khả năng tự chủ tài chính của quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.

*VOH: Theo ông, chúng ta cần giải pháp gì để kiểm soát nợ công trong thời gian tới?

Chuyên gia kinh tế Phan Thế Hải: Thời gian qua, chính phủ đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để kiểm soát nợ công hiệu quả. Theo tôi, có thể trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục những quyết sách đã có từ trước.

Thứ nhất là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Thứ hai là hạn chế bội chi ngân sách, tăng cường thu ngân sách một cách hiệu quả. Thứ ba là đẩy mạnh huy động nguồn lực trong nước, giảm dần phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài.

Thứ tư là đa dạng hóa nguồn vốn vay, tập trung vào các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp. Thứ năm là thực hiện nghiêm túc hơn các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, như tăng cường quy định, thủ tục về vay, trả nợ và quản lý tài sản đảm bảo, nhằm giảm thiểu tối đa nợ công được sử dụng kém hiệu quả, rủi ro có thể dẫn đến vỡ nợ.

Năm 2024 này, kinh tế thế giới được dự đoán vẫn diễn biến phức tạp. Rất nhiều bất lợi, như suy thoái kinh tế, giá dầu cao, các thị trường mua hàng yếu, chuỗi cung ứng gặp khó khăn… có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Điều này sẽ làm cho khả năng trả nợ công yếu đi.

Ngoài ra theo tôi, Chính phủ cũng sẽ theo dõi sát sao các yếu tố tác động đến nợ công, như kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá… để điều chỉnh kịp thời nếu có biến động mạnh.

*VOH: Xin cảm ơn ông.

Bình luận