Chờ...

Chuyện kinh tế 17/3: Làm gì khi “bỗng nhiên thành giám đốc”? | Nhà nước có trách nhiệm lo chỗ ở cho dân chứ không phải sở hữu nhà

VOH - Đường sắt mở bán vé dịp lễ 30-4 và 1-5; Thủ tướng yêu cầu làm rõ cơ chế, chính sách nhà ở xã hội; Thị trường Bất động sản Việt Nam thu hút khách nước ngoài...

Làm gì khi “bỗng nhiên thành giám đốc”?

Khi tra cứu mã số thuế bằng số căn cước công dân trên hệ thống điện tử, ông N.T.L. (ngụ TP.HCM) phát hiện mình đang đứng tên giám đốc một công ty. Ông L. đã trình báo cơ quan chức năng.

Ông L. khẳng định ông không hề biết công ty trên, cũng như không ủy quyền cho ai thực hiện thành lập công ty trên. Ông L. cho rằng mình đã bị người khác lấy thông tin cá nhân của ông thành lập doanh nghiệp.

Ông L. cho biết theo thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì công ty mà ông "bỗng dưng làm giám đốc" có vốn điều lệ là 5 tỉ đồng, đăng ký lần đầu vào tháng 8-2023. Ông L. đến địa chỉ trụ sở công ty ở phường 6 (quận Bình Thạnh) để tìm hiểu thì nơi đây là một tòa nhà văn phòng cho thuê. Qua hỏi thăm một số người tại tòa nhà trên thì không ai biết nơi đây có công ty mà ông "bỗng dưng làm giám đốc".

Đại diện Đoàn Luật sư TP HCM chia sẻ: Khi người dân phát hiện thông tin cá nhân của mình bị lợi dụng, mạo danh để thành lập doanh nghiệp thì cần thông báo bằng văn bản tới phòng đăng ký kinh doanh - nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, đề nghị phòng đăng ký kinh doanh thực hiện kiểm tra, giám sát doanh nghiệp.

Đồng thời, người dân cần làm đơn tố cáo hành vi giả mạo này gửi đến cơ quan công an nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, để cơ quan công an xác định hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo.

Khi đó, người dân sẽ có quyền đề nghị phòng đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do giả mạo.

bỗng nhiên thành giám đốc
Làm gì khi “bỗng nhiên thành giám đốc” - Ảnh Internet

Nhà nước có trách nhiệm lo chỗ ở cho dân chứ không phải  sở hữu nhà

Về vấn đề nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia chia sẻ: Kinh nghiệm thế giới phần lớn xây dựng nhà ở xã hội là việc của chính quyền địa phương. Địa phương mới biết có được là bao nhiêu người có nhu cầu, nhu cầu thuê, mua và xây dựng chương trình, Chính phủ chỉ hỗ trợ. Còn chúng ta thì Chính phủ đi lo cả gói lãi suất. Do đó, cần tạo ra một khung pháp lý tương đối mềm, linh hoạt cho các địa phương có điều kiện khác nhau. Trách nhiệm chính là chính quyền địa phương phải xây dựng.

Nên có quan điểm rõ ràng, Nhà nước có trách nhiệm lo chỗ ở cho người dân chứ Nhà nước không có trách nhiệm lo sở hữu nhà ở cho mọi người. Cần phải có quỹ nhà ở cho thuê, Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Như TP.HCM hiện nay, người có thu nhập 11 triệu đồng/tháng thì làm sao mua nhà?

Về vấn đề lãi suất, muốn làm nhà ở xã hội thì Nhà nước phải hỗ trợ nguồn lực, chứ không thể Nhà nước chỉ ban hành chính sách rồi giao cho thị trường tự làm. Các chính sách phải có cơ chế hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước với một tỷ lệ phù hợp, ví dụ bù lãi suất.

nhà ở xã hội
Nhà nước có trách nhiệm lo chỗ ở cho dân chứ không phải  sở hữu nhà - Ảnh Internet

Đường sắt mở bán vé dịp lễ 30-4 và 1-5

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết đã bắt đầu mở bán vé các đoàn tàu trong dịp lễ 30-4, 1-5, gồm có các tuyến TP.HCM - Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết.

Hiện công ty vẫn áp dụng giảm giá thường xuyên cho các đối tượng chính sách xã hội như giảm 90% giá vé cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, 30% cho thương binh, người nhiễm chất độc hóa học, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng.

Người từ 60 tuổi trở lên giảm 15% giá vé, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí vé, từ 6 tuổi đến 10 tuổi được giảm 25% giá vé…

Đối với hành khách mua vé khứ hồi: giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé lẻ và giảm 7% giá vé lượt về cho đoàn tập thể từ 20 người trở lên.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ cơ chế, chính sách nhà ở xã hội

Hôm qua16-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Với đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" do Thủ tướng ban hành, các ngân hàng đã bố trí chương trình 120.000 tỉ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Nhiều địa phương đã tích cực trong đầu tư, khởi công xây dựng nhà ở xã hội với hàng chục nghìn căn hộ.

Mặc dù đánh giá việc phát triển nhà ở xã hội có chuyển biến tích cực, song đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu, Thủ tướng đề nghị cần làm rõ: Cơ chế, chính sách đã đúng, trúng chưa, nếu cơ chế, chính sách đã đúng, trúng rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân chủ quan, khách quan do đâu, cách tháo gỡ thế nào, mỗi chủ thể phải làm gì?. Trong đó, cần đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động.

Thị trường Bất động sản Việt Nam thu hút khách nước ngoài

Có hơn 3.000 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam từ năm 2015 đến hết quý 3-2023, trong đó 9/10 người nước ngoài mua sản phẩm là căn hộ chung cư.

Kể từ khi chính sách sở hữu nhà cho người nước ngoài được nới lỏng, khách hàng đến từ châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan trở thành những nhóm nhà đầu tư lớn trên thị trường nhà ở Việt Nam. phần lớn người nước ngoài đầu tư mua bất động sản để chờ tăng giá kiếm lời. Trong khi chờ, giải pháp tạm thời sẽ có số ít cho thuê; rất ít người mua để sinh sống lâu dài.

Chuyên gia lĩnh vực bất động sản thương mại, nhìn nhận việc mở rộng cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam rất bình thường. Chuyên gia ủng hộ luật nới lỏng để kích thích đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang hòa nhập với các nước, việc này khuyến khích người nước ngoài mua và đầu tư căn hộ cao cấp ở các thành phố lớn, ở khu du lịch.

Trong khi đó, người nước ngoài chủ yếu mua căn hộ cao cấp, nếu đầu tư chủ yếu là vào khách sạn, nhà hàng, văn phòng. Đó là một cách xuất khẩu tại chỗ. Nhà nước vẫn kiểm soát chặt nên không có gì đáng ngại.