Ngày 4/8, giá gạo 5% của Việt Nam giao dịch ở mức 618 USD/tấn, tăng 20 USD so với phiên trước và là mức giá xuất khẩu kỷ lục trong hơn 1 thập kỷ qua; gạo 25% tấm ở mức 578 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn.
Riêng gạo thơm Jasmine lên mức 733 USD/tấn, tăng 45 USD/tấn so với ngày 1/8 và tăng 110 USD/tấn so với ngày 20/7.
Ông Huỳnh Bảo Trọng - Tổng Giám đốc Công Ty Cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Thuận Minh cho biết: “Giá đang tăng mạnh, nhu cầu về an ninh lương thực của các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam còn rất lớn. Đây là cơ hội lớn của doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu gạo và xây dựng thương hiệu”.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời nhìn nhận: “Với nông dân, giá gạo hiện nay đang rất có lợi, bán nhanh, bán nhiều thì càng có lợi cho người trồng. Quốc gia mình khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu gạo, có lợi thế trong giao thương.
Nhưng với doanh nghiệp, cơ hội lớn song cũng có những thử thách, rủi ro mà càng cần phải thận trọng hơn.
Với các doanh nghiệp ký được hợp đồng mới và có sẵn gạo trong kho thì sẽ thắng lớn. Nhưng với doanh nghiệp đã ký các hợp đồng trước đây, giờ phải thu mua giá cao hơn giá bán đã ký, vì không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn lực để dự trữ được nhiều thì đây là rủi ro, thách thức lớn.
Việc đóng cửa, mở cửa xuất khẩu gạo thị trường thế giới phụ thuộc vào nhiều quốc gia, nhiều yếu tố nên sẽ có nhiều sự thay đổi khó lường.
Giá gạo cao đột biến làm thay đổi nhiều vấn đề mà chúng ta cần nhìn rõ. Liên kết doanh nghiệp – người trồng lúa cần chặt chẽ hơn, tổ chức sản xuất quy mô lớn, tập trung, gia tăng công nghệ, từ đó mới có thể giảm giá thành, tăng thêm lợi nhuận, đảm bảo sức cạnh tranh, nhất là khi giá gạo trở lại mức cũ”.
Giáo sư Võ Tòng Xuân - Nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, “cha đẻ” nhiều giống lúa ngon nhận định: “Đây là việc có thể đưa tới cơ hội tốt cho Việt Nam đưa gạo đi xa hơn, rộng hơn trên thế giới.
An ninh lương thực của chúng ta vững vàng, bố trí các vùng phát triển lúa gạo hợp lý, quy trình an toàn lương thực tốt. Kỹ thuật trồng lúa ở ĐBSCL đang có những khác biệt so với khu vực. Một số nước trồng lúa 1 – 2 vụ, còn Việt Nam chọn giống lúa ngắn ngày 990 – 105 ngày), năng suất cao (5 – 7 tấn/ha/vụ). Chất lượng gạo chúng ta được cải thiện nhờ nhiều giống lúa cho gạo ngon.
Với nhu cầu thị trường cao như hiện nay, cần tính đến việc tăng diện tích, tăng vụ. Bộ NN và PTNT cũng đã có thông tin vùng giáp Campuchia (phía Bắc tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An) khoảng 1,5 triệu ha, có kênh lấy nước trực tiếp từ sông Tiền, sông Hậu, luôn có nước ngọt, chúng ta có thể nới rộng ra.
Nông dân và doanh nghiệp không nên làm theo kiểu cũ, mạnh ai nấy làm, nông dân trồng tự phát, doanh nghiệp khi có nhu cầu từ nước ngoài thì mới đi thu gom từ thương lái chứ chưa chú trọng tạo vùng nguyên liệu cho mình.
Biến đổi khí hậu vẫn diễn biến khó lường và Việt Nam có lợi thế an ninh lương thực tốt. Nên nếu có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tức là doanh nghiệp ký kết hợp đồng dài hạn với các đối tác, khi có các hợp đồng dài hạn, thì phối hợp với chính quyền địa phương khoanh vùng nguyên liệu, người nông dân và doanh nghiệp đều có lợi từ mô hình này".
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngành nông nghiệp ngày 1/8, Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, diễn biến giá gạo thế giới tăng cao trong những ngày gần đây là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo, nếu không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội này.
Kế hoạch năm nay, cả nước gieo cấy 7,1 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn lúa. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được khi theo tính toán hiện nay, sản lượng lúa có thể đạt trên 43 triệu tấn, thậm chí có những kịch bản còn cao hơn.
Đối với việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước, ông Cường cho biết khi cân đối nhu cầu tiêu thụ cho 100 triệu dân, cho chế biến, cho làm giống thì đều nâng lên tỉ lệ rất cao.
Việc một số nước cấm xuất khẩu gạo chỉ là động thái tình thế. Vậy nên, tận dụng cơ hội này tốt nhất chính là khẳng định giá trị gạo Việt từ chất lượng đến nguồn lực, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, để gạo Việt Nam có đường đi vững vàng hơn nữa trên đường “xuất ngoại”.