Chờ...

Còn nhiều hạn chế trong mô hình hợp tác công tư ngành hàng cà phê

(VOH) - Sáng nay, 4/12, Ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam tổ chức Hội thảo Hợp tác công tư phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam năm 2018.

Ngành hàng cà phê à một trong 2 ngành hàng nông sản xuất khẩu có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển như có hiệp hội, viện nghiên cứu chuyên ngành, ban điều phối ngành hàng cafe, có các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp FDI đầu tư.

Buổi đối thoại về hợp tác công tư và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng cà phê

Buổi đối thoại về hợp tác công tư và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng cà phê

Việt Nam xuất khẩu trên 95% sản lượng cà phê sản xuất hàng năm, đến 80 quốc gia trên thế giới. Với kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1,7 - 3,2 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ trong ngành hàng này cũng tồn tại nhiều khó khăn yếu kém như liên kết lỏng lẻo, thiếu kiểm soát, các tổ chức nông dân như hợp tác xã, tổ hợp tác ít, thu mua chủ yếu qua trung gian, bảo quản chế biến chưa được đầu tư đúng mức.

Mô hình hợp tác công tư với sự đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp triển khai tại hơn 250 vườn mẫu ở 4 tỉnh ghi nhận được một số thành công. Qua đó góp phần tăng năng suất cafe từ 12% giai đoạn 2012-2014 lên đến 17% giai đoạn 2015-2016. Thu nhập trung bình của nông dân trong mô hình tăng lên 14% trong 5 năm, đồng thời, giảm khí phát thải nhà kính.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Chuyên gia Nông nghiệp cấp cao cũng cho biết mô hình hiện vẫn còn một số hạn chế như Hoạt động vẫn là tập trung vào các khu vực mô hình, quy mô nhân rộng về mặt kỹ thuật còn chậm, kết nối với thị trường ở cả các mô hình còn kém bền vững, chưa xây dựng được chuỗi giá trị cafe hoàn thiện trên quy mô lớn, chưa có sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp trong nước. Ngoài các chính sách các chương trình, dự án quốc tế, nói chung vai trò của nhà nước chưa mạnh.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên việc hợp tác công tư cần quan tâm đến lợi ích người nông dân. Đặc biệt, trong tình hình bất lợi cả về điều kiện canh tác lẫn giá cả, nông dân có xu hướng chuyển đổi sang các giống cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Vì vậy, để giữ ổn định vùng nguyên liệu cafe, Tiến sĩ Trương Hồng đề nghị: Một kg cafe nhân 50.000đ, sau khi chế biến bán đến 300.000đ. Khoảng giữa là khoảng lợi nhuận ròng, trừ chi phí đi có thể còn lợi nhuận 100.000đ chẳng hạn. “Ta tách khoảng 5-10.000đ trả lại cho nông dân, thông qua doanh nghiệp mua hàng.  Có đồng hành của nhà nước của doanh nghiệp thì họ yên tâm hơn", Tiến sĩ Trương Hồng, Quy nói.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó trưởng ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng đối tác công tư có 3 cấp độ: tương tác, hợp tác và đối tác. Thời gian tới ngành Nông nghiệp hướng đến chương trình cafe chất lượng cao nhằm mang về thu nhập tốt hơn cho nông dân.

Ông Nguyễn Đỗ Tuấn Anh cho rằng, tương tác để có những mô hình hay những chia sẻ với nhau về công nghệ chế biến, câu chuyện kinh doanh, phân phối, xây dựng thương hiệu còn yếu, không chỉ trong quan hệ đối tác công tư mà cả ngành hàng so với các nước.

Bộ nông nghiệp sẽ hướng tới trong tầm nhìn phát triển cafe thời gian tới. “Chúng ta không sản xuất nhiều hơn nhưng sẽ sản xuất tốt hơn theo quy chuẩn bền vững hơn. Trên cùng diện tích đất người nông dân sẽ thu nhập nhiều hơn”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khẳng định.