Công nhân quản lý chi tiêu như thế nào để không bị mất kiểm soát, 'dính' bẫy tín dụng?

(VOH) - Tọa đàm “Quản lý chi tiêu và Giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong công nhân” với sự tham gia của nhiều chuyên gia tài chính và hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân

Chiều 24/7, Tạp chí Lao động – Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tổ chức tọa đàm “Quản lý chi tiêu và Giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong công nhân”. Tọa đàm với sự tham gia của nhiều chuyên gia tài chính và hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn tỉnh.

hạn chế sử dụng tiền mặt , công nhân

Toàn cảnh Tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh cho hay, quản lý chi tiêu là bài toán không chỉ được đặt ra khi dịch Covid-19 ập đến mà đó là vấn đề rất được đoàn viên, công nhân lao động quan tâm. Thực tế, một bộ phận công nhân biết cách chi tiêu hợp lý, họ có tích lũy nên khi đối mặt với dịch Covid-19, gia đình họ vẫn có nguồn tài chính để xoay sở được. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, rất nhiều công nhân chưa biết cách quản lý chi tiêu, tài chính trở nên khó kiểm soát, công nhân lao động dễ rơi vào tình trạng túng thiếu, cầm cố mua bán sổ Bảo hiểm xã hội, vay nặng lãi, dính “bẫy” tín dụng đen…ông Trần Duy Phương – Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn cho hay, tại các khu công nghiệp, với số lượng công nhân lao động lớn nhưng việc ứng dụng các công nghệ, phần mềm điện thoại thông mình cho các dịch vụ ngân hàng điện tử là rất ít, dẫn đến tình trạng ùn tắc mỗi khi rút tiền tại trụ ATM, đặc biệt vào dịp cuối năm.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các chuyên gia cũng cảnh báo với thói quen sử dụng tiền mặt cao của người Việt, tiền mặt hoàn toàn có trở thể thành một ổ bệnh nếu chẳng may dính virus SARS-CoV-2 từ người nhiễm bệnh. Ngày 26/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử trên mọi lĩnh vực. Vì thế chúng ta phải nhanh chóng nắm bắt xu thế này và áp dụng vào đời sống thì mới theo kịp sự phát triển của công nghệ và những thay đổi trong nền kinh tế xã hội của đất nước.

"Tọa đàm “Quản lý chi tiêu và Giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong công nhân” là một trong những hoạt động của tổ chức công đoàn xuất phát từ nhu cầu thực tế của đoàn viên, người lao động.

Bên cạnh những tác động tiêu cực thì nếu nhìn một cách lạc quan thì dịch Covid-19 cũng có những tác động tích cực khi đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng, quyết liệt vào quản lý, điều hành, giải quyết công việc; nhiều phương án làm việc như làm việc từ xa, làm việc tại nhà… được đưa ra mà vẫn đảm bảo được hiệu quả. Đặc biệt, để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, việc chi tiêu không tiền mặt trong các giao dịch thời gian qua cũng được thúc đẩy và trong cộng đồng tập trung đông người như các doanh nghiệp thì việc chi tiêu không tiền mặt rất cần được phát triển”, bà Trương Thị Bích Hạnh chia sẻ.

hạn chế sử dụng tiền mặt , công nhân

Diễn giả chia sẻ tại hội thảo

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, đó là những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tại Bình Dương, tính đến 23/7/2020, toàn tỉnh Bình Dương có 297 doanh nghiệp bị ảnh hưởng với gần 144.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng, trong đó số bị chấm dứt hợp đồng lao động 13.145 người; số lao động phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 55.874 người, số lao động phải giảm giờ làm việc gần 94.219 người. Khi thu nhập giảm thì chi tiêu cũng phải thay đổi theo.

Buổi tọa đàm, chuyên gia tư vấn, diễn giả chuyên nghiệp Quách Tuấn Khanh, đã mang đến cho đoàn viên, người lao động các thông tin, những kinh nghiệm về quản lý đồng tiền; cách sử dụng những ứng dụng thanh toán điện tử hữu ích, hạn chế giao dịch tiền mặt… giúp đoàn viên, công nhân lao động có kế hoạch chi tiêu hiệu quả, tránh tối đa những rủi ro do khó khăn đem lại, hướng đến một cuộc sống ổn định, hài hòa trong điều kiện hiện tại. Điều này không chỉ có lợi cho bản thân người lao động mà còn đem lại lợi ích cho cả nền kinh tế.

Ngoài ra, tại chương trình, 14 công nhân lao động bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động nhận được hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (tổng số tiền hỗ trợ 134 triệu đồng).

Tọa đàm “Quản lý chi tiêu và Giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt trong công nhân” là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2020). Trong chuỗi hoạt động này, các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương tổ chức nhiều chương trình hữu ích, thiết thực dành cho đoàn viên, công nhân lao động như Tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm, bán hàng phúc lợi cho đoàn viên, công nhân lao động với sự tham gia của 33 doanh nghiệp; Tư vấn pháp luật về lao động, Bảo hiểm xã hội, Việc làm… cho người lao động. Đặc biệt, chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động với gần 20 doanh nghiệp tham dự tuyển dụng trực tiếp, gián tiếp mang đến hơn 5.000 cơ hội việc làm cho người lao động đang thất nghiệp vì dịch Covid-19. 

Bài, ảnh: Mỹ Trang