CPI tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước

(VOH) - So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng Một tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tháng 01/2022 tăng 0,66%.

Tháng 01/2022 là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. 

So với tháng trước, CPI tháng 01/2022 tăng 0,19% (khu vực thành thị tăng 0,2%; khu vực nông thôn tăng 0,19%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá; riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giữ giá ổn định.

CPI tháng 01/2022 tăng 0,19% so với tháng trước
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 01/2022 tăng 1,18% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Cụ thể, giá xăng tăng 2,65%; dầu diezen tăng 2,81% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá vào ngày 25/12/2021; 11/01/2022 và  21/01/2022, trong đó giá xăng A95 tăng 1.070 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.040 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 1.330 đồng/lít.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng tháng Một tăng 0,13% so với tháng trước; dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân tăng 0,11%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,51%.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống ổn định so với tháng trước, trong đó nhóm hàng lương thực tăng 0,08% làm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,01 điểm phần trăm; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18% làm tăng 0,05 điểm phần trăm; ở chiều ngược lại, nhóm thực phẩm giảm 0,09% làm cho nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,06 điểm phần trăm.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 01/2022 tăng 1,94%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 7 nhóm tăng giá và 4 nhóm giảm giá.  Nhóm giao thông tháng 01/2022 tăng cao nhất với 14,55% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,41 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu tăng 43,56% (Xăng A95 tăng 7.090 đồng/lít; xăng E5 tăng 7.290 đồng/lít) và giá dầu diezen tăng 5.860 đồng/lít. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,23% theo giá nguyên vật liệu đầu vào. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,75% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.

Bên cạnh đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng Một tăng 0,88% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,22%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,57%.

Chỉ số giá đô la Mỹ

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm trong bối cảnh lạm phát của Mỹ tháng 12/2021 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 25/01/2022, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 95,68 điểm, giảm 0,52 điểm so với tháng trước.

Trong nước, giá đô la Mỹ giảm 0,32% so với tháng trước do nguồn cung đảm bảo. Giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 22.912 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 01/2022 giảm 0,32% so với tháng trước; giảm 0,73% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số lạm phát

Lạm phát cơ bản tháng 01/2022 tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 0,26% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,94%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.