Có thể khẳng định đây là một chủ trương lớn và đạt hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, đã đến lúc câu chuyện “vận động” dừng lại, thay vào đó là cụm từ “chinh phục”. Vậy làm thế nào để hàng Việt chinh phục được người Việt? Trách nhiệm của doanh nghiệp trong cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt
Sau 10 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ chính trị phát động, báo cáo của Bộ Công thương cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng trong nước sẵn sàng sử dụng hàng Việt lên gần 70%. Đây thực sự là những con số ấn tượng. Tuy vậy, chúng ta vẫn không thể chủ quan bởi đang xuất hiện rất nhiều thách thức mới đối với hàng Việt như là các doanh nghiệp nước ngoài sở hữu phần lớn kênh phân phối tại Việt Nam. Những mặt hàng sản xuất trong nước dù phát triển rất mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng ngoại nhập vẫn chưa như mong muốn.
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết khi bà đi khảo sát 70 đơn vị sản xuất rau củ sạch ở tỉnh Đồng Tháp thì chỉ có 20% hộ nông dân có đăng ký tiêu chuẩn Việt Gap, số còn lại mặc dù đều đạt nhưng nếu muốn xuất khẩu hay vào các siêu thị bán lẻ của nước ngoài thì bắt buộc phải có tiêu chuẩn: "Làm sao thay đổi nhận thức, cách suy nghĩ của cả những nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng là phải có tiêu chuẩn. Nhà sản xuất thì còn phải nộp tiêu chuẩn để được vào siêu thị hay được nhà nước chấp nhận cho hoạt động. Còn người tiêu dùng thì thích mua cái gì thì mua, miễn không có ngộ độc thôi. Người tiêu dùng hiện nay đa số họ vẫn ít đọc thông tin liên quan đến tiêu chuẩn thực phẩm và chúng ta sẽ phải thuyết phục người ta thay đổi dần dần".
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động được 10 năm. Ảnh minh họa: internet
Thực tế, trong 10 năm qua, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã làm thay đổi tư duy của người tiêu dùng từ việc chuộng hàng ngoại quay trở về sử dụng hàng Việt Nam. Bà Lê Hải Đường, ngụ Quận 1 cho biết, luôn luôn ủng hộ hàng Việt Nam nhưng với điều kiện: "Hàng Việt Nam đó phải là hàng có chất lượng. Các doanh nghiệp sản xuất cần phải bảo đảm chất lượng và giá thành vừa phải, tránh tình trạng như hàng Thái Lan, hàng các nước tràn vào cạnh tranh mà giá thành của mình không rẻ hoặc bằng thì cũng thua, bán không chạy".
Chia sẻ về việc làm thế nào để có thể giữ được trái tim người tiêu dùng, bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân cho biết: "Công ty chúng tôi cũng có kế hoạch dài hơi để sản xuất tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đây là cơ hội phát huy nhiều hơn nữa để hàng Việt vươn ra quốc tế. Chúng tôi sản xuất bằng trái tim đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm dinh dưỡng cao mà giá trị cũng vừa túi tiền của người tiêu dùng".
Ông Dương Thanh Đảo – Giám đốc Maketing – Công ty Quy Phúc – chuyên sản xuất các mặt hàng bàn ghế, tủ nhựa cho biết, hiện nay người Việt đã có sự chuyển biến rất lớn trong việc quay trở lại sử dụng hàng trong nước, bởi vì: "Hàng Việt cải tiến kỹ thuật ngày càng tốt hơn, về tiện ích, giá cả cũng phù hợp nên người tiêu dùng tin tưởng. Còn về hàng Thái thì người ta chỉ tiếp cận ban đầu vì nó mới, nhưng sau đó họ có những so sánh và lựa chọn hàng Việt vì hàng Việt được đổi mới công nghệ, kết nối thị trường và thăm dò thị hiếu của người tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm phù hợp với người Việt Nam để họ cảm thấy tin yêu và tiêu dùng hàng Việt".
Về sự đồng hành để các doanh nghiệp tại TPHCM có thể tận dụng được thời cơ đến từ cuộc vận động này. Ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết: "Hiệp hội luôn đồng hành cùng doanh nghiệp chúng tôi cũng muốn doanh nghiệp nỗ lực để đưa ra những sản phẩm mới theo xu hướng hiện nay là hàng Việt chinh phục người tiêu dùng Việt. Và làm thế nào đó hàng Việt phải có đổi mới công nghệ thì chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh ngiệp tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ thị trường, xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu của hàng Việt ngày càng tốt hơn".
Sau 10 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt nhiều kết quả tốt. Bên cạnh đó cũng còn những vấn đề đặt ra, như chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng.
Một thực tế không dễ dàng để chúng ta thuyết phục được người tiêu dùng chỉ bằng việc vận động, kêu gọi. Ông Trần Tấn Ngời - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho rằng, đã đến lúc Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được xem lại và phải thay đổi tâm thế để chuyển thành cuộc vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”: "Chúng ta phải làm như thế nào để hàng Việt chinh phục người Việt, chứ không thụ động, phải có sự chuyển động đồng bộ. Ngoài vấn đề chất lượng thì các HTX, liên kết nông dân để tạo ra sản phẩm theo chuỗi sản phẩm sạch có chất lượng, và nếu doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu đó thì cũng rất khó".