Chờ...

Điện mặt trời, kinh nghiệm phát triển của một số quốc gia và bài học cho Việt Nam

(VOH) - Năng lượng mặt trời là nguồn tài nguyên vô tận mà con người có thể khai thác. Vì thế, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã ngày càng quan tâm và đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng này.

Theo chuyên gia Trương Thị Diễm Phước, Thành viên HĐQT Pacific Group, những năm gần đây, năng lượng điện mặt trời đang có sự phát triển mạnh mẽ. Sản lượng điện từ năng lượng mặt trời có sự gia tăng hàng năm. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của nhà nước, các tập đoàn doanh nghiệp tới năng lượng tái tạo giúp ổn định năng lượng quốc gia và giảm thiểu tác động đến môi trường. Vì vậy, để tiếp tục phát triển bền vững thì việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã phát triển sẽ góp phần cho điện mặt trời tại Việt Nam đi đúng hướng.

Hiện nay, nguyên nhân về tình trạng quá tải lưới điện do tiếp nhận điện mặt trời từ các dự án cánh đồng điện mặt trời cũng như điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam là do một số địa phương có số dự án phát triển ồ ạt khiến lưới điện quá tải. Thật ra, câu chuyện này đã xảy ra ở một số quốc gia khác.

Năm 2016, tờ Inhabitat đưa tin, tại Chile, một số nhà phát triển dự án điện mặt trời đã cung cấp điện miễn phí cho các cộng đồng cư dân trong khu vực dự án. Theo tính toán, có khoảng 113 ngày trong 1 năm, giá bán điện kéo về zero, điều này có nghĩa là người dân một số khu vực được hưởng điện với giá không đồng. Nguyên nhân chính là do lưới truyền tải quốc gia không thể tải hết công suất.

Để phát triển nguồn năng lượng sạch, ngay từ năm 2006, Trung Quốc đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch. Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011-2015) và lần thứ XIII (2016-2020) của Trung quốc đã chỉ ra phải ưu tiên phát triển năng lượng xanh và bảo vệ môi trường, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon và thay đổi cấu trúc thị trường than.

Tháng 7/2018, Nhật Bản cũng đã thông qua kế hoạch chiến lược phát triển năng lượng lần thứ 5 tầm nhìn 2030 và đến 2050. Theo đó, đã định hướng phát triển năng lượng dựa trên nguyên lí 3 E+S, (Safety - An toàn; Energy Sercurity - An ninh năng lượng; Enviroment - Môi trường và Economic Effeciency - Hiệu quả kinh tế). Trong đó, năm 2030, trong cơ cấu nguồn điện, năng lượng tái tạo chiếm từ 22-24%, nhiên liệu hóa thạch 56% và năng lượng hạt nhân từ 20-22%.

Thái Lan hiện nay là nước dẫn đầu Đông Nam Á trong sử dụng điện mặt trời. Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế, Thái Lan xếp thứ 15 trong top toàn cầu năm 2016, với công suất hơn 3.000 MW, cao hơn tất cả các nước Đông Nam Á khác cộng lại. Dự kiến, công suất lắp đặt điện mặt trời tại đất Thái Lan đến năm 2036 là 6.000 MW.

Điện mặt trời, kinh nghiệm phát triển của một số quốc gia và bài học cho Việt Nam 1
Bà Trương Thị Diễm Phước trong một phiên làm việc với ông Yasuyuki Fujishima, Thành viên cao cấp HĐQT Pacific Group, doanh nghiệp phát triển hạ tầng xanh và năng lượng tái tạo tại Việt Nam với nguồn đầu tư Nhật Bản.

Thông thường, tại các quốc gia đang phát triển thì cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế và Việt Nam chúng ta không nằm ngoài số đó. Hạ tầng logistics, giao thông, năng lượng luôn là bài toán hóc của quốc gia đang phát triển.

Chính phủ Việt Nam là chính phủ kiến tạo với nhiều quyết sách đổi mới và kịp thời. Việc Chính phủ khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch những năm gần đây đã kiến tạo những bước đầu tư mạnh mẽ cả trong và ngoài nước. “Ở đâu có phát triển, ở đó có nhiều thách thức về hạ tầng”, ông Yasuyuki Fujishima, Thành viên HĐQT Pacific Group, (nguyên phó chủ tịch tập đoàn Sojitz), phát biểu tại hội nghị cổ đông của Pacific Group.

Năm 2020, Chính phủ cho phép Tập đoàn Trung Nam, là nhà phát triển điện tái tạo đầu tiên được phép đầu tư đường truyền tải tại Ninh Thuận. Trong một thời gian ngắn, Tập đoàn Trung Nam đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đường truyền tải 500KV tại Ninh Thuận và động thái kiến tạo này đã giúp hàng loạt nhà đầu tư điện mặt trời và điện gió trong khu vực giải tỏa công suất phát điện

Điện mặt trời, kinh nghiệm phát triển của một số quốc gia và bài học cho Việt Nam 2
Biểu đồ tham khảo về phát triển điện mặt trời của Chile từ 2013 đến Quý 1/2016. Chile là quốc gia phát triển điện mặt trời từ 2013, sớm hơn chúng ta là từ 2017

Để thúc đẩy sự phát triển của ngành năng điện mặt trời, Nhà nước cần có chính sách khoa học cụ thể về phát triển năng lượng sạch, đồng thời phải có sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hành các chính sách đó. Song song đó, Việt Nam cũng cần phải lựa chọn công nghệ tiên tiến và thích hợp với điều kiện của quốc gia để đưa vào sản xuất. Đồng thời có những chính sách khuyến khích sự tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải điện, với công nghệ lưới điện thông minh đã ứng dụng phổ biến trên thế giới, việc tư nhân đầu tư thêm đường truyền tải sẽ giúp các dự án điện mặt trời giải tỏa hết công suất mà vẫn có thể xác định chính xác lượng điện truyền tải, tiêu thụ đi các nơi.

Điện năng lượng mặt trời đã dần khẳng định tính ưu việt và là nguồn năng lượng vô tận, giúp tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng, đặc biệt nguồn năng lượng này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, đây không chỉ là mối quan tâm của các nền kinh tế lớn mà ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới.