Doanh nghiệp cần “sòng phẳng” với nhà khoa học

(VOH) - Doanh nghiệp sòng phẳng với nhà khoa học về quyền và nghĩa vụ khi thương mại hóa các nghiên cứu thì mới có thể hợp tác phát triển sản phẩm một cách bền vững.

Tại Hội thảo các giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố do Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố tổ chức sáng nay (14/5), nhiều chuyên gia tiếp tục bày tỏ ý kiến về sự chưa mặn mà của mối quan hệ “ba nhà”: đó là nhà nước, nhà nghiên cứu – nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh Thành phố ưu tiên đầu tư phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, giai đoạn 2018 – 2020.

Từ tháng 10/2018, Thành phố đã xác định 07 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố giai đoạn 2018 – 2020.

Cụ thể, 7 nhóm gồm: sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản phẩm thiết bị điện; sản phẩm từ nhựa, cao su; sản phẩm thực phẩm chế biến; sản phẩm đồ uống; sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin; sản phẩm trang phục may sẵn. Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng bao gồm sản phẩm thuốc, hóa dược và dược liệu.

nhà khoa học, thương mại hóa sản phẩm

Đại diện "ba nhà" thảo luận bàn tròn tại Hội thảo

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề làm sao để xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu nhằm hỗ trợ và thúc đẩy việc hình thành, phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố cho rằng, mối liên kết giữa ba nhà: nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp đã được nhắc đến rất nhiều, nhưng theo ông cần bổ sung thêm một “nhà” nữa, đó là nhà đầu tư. Bởi vì, nếu như thiếu nguồn quỹ hoặc các nhà đầu tư thì chúng ta cũng khó thành công và cùng đi đến chặng đường cuối như hoàn thiện sản phẩm, thương mại hóa để đưa các sản phẩm vào thị trường.

“Mối liên kết ba nhà đã có từ lâu, nhưng vì sao nó cứ bình bình, chúng ta không đẩy được để cho nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước cùng song hành với nhau. Chúng ta cùng nhau trao đổi để làm sao ba nhà cùng đi với nhau, trong đó nhà nước chỉ đóng vai trò bà đỡ hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như các nhà khoa học cùng có những sản phẩm mang dáng dấp trí tuệ Việt, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và kinh tế của TPHCM” - ông Nguyễn Kỳ Phùng chia sẻ.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đồng tình khi cho rằng, hiện khoảng cách giữa doanh nghiệp và nhà khoa học vẫn còn lớn bởi tâm lý, doanh nghiệp chưa tin tưởng các nhà khoa học, trong khi nhà khoa học thì giữ “cái tôi” quá lớn khi hợp tác với doanh nghiệp. 

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM cho hay, hiện chính sách của Đại học Quốc gia TPHCM là đầu tư nhưng không dàn trải, mặc dù lực lượng nghiên cứu rất lớn.

Theo ông Vinh có một số thầy cô tự nghiên cứu, tự chuyển giao triển khai ra bên ngoài. Tuy nhiên, trường hợp thành công thì rất ít, thất bại thì nhiều. Như vậy, rất cần sự kết nối giữa các thầy cô, các nhà nghiên cứu với doanh nghiệp.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Trần Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang chia sẻ, bản thân các doanh nghiệp phải chủ động trong nghiên cứu khoa học, phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp mới nảy ra được đề tài và đi tìm các nhà khoa học trong trường đại học để hợp tác nghiên cứu.

Một yếu tố mà theo ông Trần Quốc Toản rất quan trọng, đó là doanh nghiệp phải sòng phẳng với nhà khoa học - quyền và nghĩa vụ của nhà khoa học rõ ràng đối với đề tài hợp tác nghiên cứu. “Nếu đề tài không được thương mại hóa thì không nói làm gì. Còn đề tài thương mại hóa tốt, thu được nguồn tiền lớn thì quyền lợi gắn với nhau. Cho nên, ngay lúc ban đầu, khi làm dự án hợp tác, ký hợp đồng rất rõ ràng là trích bao nhiêu phần trăm cho nhà khoa học khi đề tài đó được thương mại hóa, đưa vào sản xuất. Làm rõ vấn đề đó thì sẽ bền vững hơn”, ông Toản nêu ý kiến.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố - Nguyễn Kỳ Phùng đề xuất thêm, đối với các trường đại học, đang thiếu sự hình thành các tổ chức trung gian. Nên chăng chúng ta phải có những công ty trong trường đại học, như vậy họ sẽ có đủ quyền kết nối với các doanh nghiệp bên ngoài.

Hiện tại, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TPHCM đã lập Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách Khoa, được chuyển đổi từ tổ chức khoa học công nghệ của nhà trường, góp phần đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Giá cà phê hôm nay 14/5/2019: Quay đầu giảm 200 - 400 đồng/kg - Giá cà phê hôm nay 14/5/2019 đồng loạt quay đầu giảm 200 -400 đồng/kg tại hầu hết các vùng trồng cà phê trọng điểm Tây Nguyên và Miền Nam. Giá cà phê thế giới giảm hơn 1%.

Giá tiêu hôm nay 14/5/2019: Lao dốc 1.000 đồng/kg do giá thế giới giảm mạnh gần 2% - Giá tiêu hôm nay 14/5/2019 lao dốc 1.000 đồng/kg ngay đầu giờ sáng tại hầu hết các địa phương trồng tiêu trọng điểm Tây Nguyên và miền Nam sau gần 1 tháng đứng giá.