Nhà khoa học 8X tạo keo cầm máu, nhanh lành vết thương

(VOH) - Dù học tập và nghiên cứu ở nước ngoài nhiều năm nhưng Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp - nhà khoa học 8X vẫn quyết định về nước để nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm y khoa “made in Việt Nam”. 

Trăn trở nhiều giải pháp chăm sóc sức khỏe cho người dân

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp - trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế ĐHQG-HCM từng tốt nghiệp Cử nhân Hóa học tại Đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM, nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc).

Năm 2012, chị trở về nước làm giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Quốc tế ĐHQG-HCM.

Kỹ thuật Y Sinh - Biomedical Engineering (BME) là lĩnh vực liên ngành ứng dụng kỹ thuật tiên tiến (như nano, tế bào gốc, y tế viễn thông) vào việc tạo ra các phương pháp nghiên cứu và thiết bị phục vụ cho sức khỏe cũng như giúp hiểu biết sâu hơn về con người... Giảng dạy tại bộ môn Kỹ thuật Y Sinh chính là cơ hội để Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp thỏa đam mê nghiên cứu của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp , nhà khoa học nữ

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp - trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế ĐHQG-HCM (Ảnh: BN)

Một trong những công trình nghiên cứu thành công của chị có thể kể tới loại keo có thể dùng để chữa các loại vết thương, diệt khuẩn và giảm thời gian tái tạo mô. Sản phẩm có thể thoa ngay lập tức lên các loại vết thương - tạo thành một lớp màng ngăn chảy máu, hấp thụ chất lỏng từ vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng từ vi sinh vật.

Loại keo thông minh này được hình thành chủ yếu bằng liên kết chéo axit hyaluronic, chitosan và các thành phần khác như bạc và hạt nano curcumin. Nguồn chitosan được chiết xuất từ vỏ tôm, vỏ cua vốn rất dồi dào ở Việt Nam. Việc tạo ra sản phẩm keo, từ nguồn chitosan trong nước là một trong những lợi thế khiến giá thành keo cạnh tranh – khi đưa ra thi trường.

Quá trình thử nghiệm trên động vật, loại keo này được chứng minh có khả năng hỗ trợ quá trình lành vết thương, lành tính, tái tạo tế bào tốt. Đây được xem là sản phẩm hiệu quả phục vụ sơ cứu cho những người cần cầm màu tức thì, hay người dân ở những khu vực xa bệnh viện và tại chiến trường.

Nghiên cứu này giúp chị nhận được Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới năm 2018 do Quỹ L’Oreal và UNESCO trao tặng. Đáng chú ý, việc Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp nhận Giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” được xếp là 1 trong 10 sự kiện Khoa học Công nghệ Việt Nam nổi bật trong năm 2018.

Trước đó, tiến sĩ Hiệp từng ghi được nhiều dấu ấn với đề tài nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu titanium trong ngành nha khoa phục hồi. Titanium implant là vật liệu tốt nhất trong nha khoa phục hồi, tuy nhiên vật liệu này có khả năng bám dính kém gây nhiều rủi ro trong quá trình phục hồi và tái tạo mô, nhất là rủi ro đào thải titanium implant sau thời gian cấy.

Nghiên cứu của chị mang đến các hiểu biết mới trong nỗ lực cải tiến bề mặt của titanium implant nhằm khắc phục đặc điểm trơ về mặt sinh học của vật liệu, giúp tăng tốc và tối ưu hoá sự tích hợp mô nhằm đáp ứng lực nhai ở giai đoạn sớm sau khi cấy ghép implant…

Năm 2016, nghiên cứu này giúp chị đạt giải thưởng Nhà nghiên cứu khoa học tài năng năm 2016 của L’Oreal UNESCO. TS Nguyễn Thị Hiệp khi đó là nhà khoa học nữ thứ hai của Việt Nam được lựa chọn trao giải trong suốt 20 năm kể từ khi có giải thưởng này.

Năm 2017, Tiến sĩ Hiệp đạt giải Nhất cuộc thi Giải thưởng khoa học ASEAN – Mỹ cho nghiên cứu xuất sắc về sử dụng các giải pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà nhằm giảm áp lực lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các đô thị. 

Không chỉ là một trong số ít những nữ nhà khoa học hiếm hoi của Việt Nam đạt được nhiều giải thưởng Quốc tế về nghiên cứu khoa học, chị còn là người thuộc thế hệ 8X sở hữu bảng thành tích đáng ngưỡng mộ với hơn 40 bài báo công bố quốc tế; hơn 60 bài báo khoa học trong các hội nghị Quốc tế; nghiên cứu thành công nhiều sáng chế, sản phẩm y học tái tạo…

Bỏ tiền túi đầu tư cho nghiên cứu

Khi tôi thắc mắc “người giỏi du học nước ngoài thường không muốn quay trở về, tại sao chị lại làm điều ngược lại?”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp chỉ trả lời đơn giản rằng vì chị mê nghiên cứu và thực sự muốn những nghiên cứu của mình giúp ích được cho người dân mình.

Có một thực tế là, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học trước nay đều khá khiêm tốn, đó là một trong những lý do khiến không ít nhà khoa học kém “mặn mà” đối với công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp đây không phải là sự cản trở quá lớn.

Năm 2012, khi trở về Việt Nam làm việc sau 6 năm học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc, chị đối mặt với vô vàn khó khăn trong công tác nghiên cứu khi vừa làm dự án, vừa gây dựng nhóm nghiên cứu, lại vừa phải mượn trang thiết bị và tìm nguồn kinh phí nghiên cứu. 

Với niềm đam mê, nhiều năm qua chị vẫn “bất chấp” khó khăn, kiên trì đeo đuổi các công trình nghiên cứu của mình và sẵn sàng bỏ cả tiền lương, tiền thưởng từ các giải thưởng trong nước và quốc tế, tiền viết các bài báo quốc tế do nhà trường hỗ trợ… để đầu tư cho công trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của mình.

Những khó khăn trước đây đã giảm đi phần nào khi hiện nay Bộ môn Kỹ thuật Y sinh nơi chị làm việc đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn với  11 phòng thí nghiệm giáo dục và nghiên cứu chuyên ngành và 2 phòng thí nghiệm lâm sàng đặt tại các bệnh viện trong thành phố.

Hoạt động nghiên cứu khoa học đã được tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn, tuy nhiên, trên cương vị là một nhà khoa học chị luôn luôn mong muốn hoạt động nghiên cứu khoa học được nhận nguồn kinh phí tốt hơn. Điều này, không chỉ kích thích hoạt động nghiên cứu mà còn là nền tảng để thu hút thêm nhiều người trẻ đối với nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp , nhà khoa học nữ

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp đại diện tập thể Bộ môn Kỹ thuật Y sinh nhận bằng khen của ông Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG TPHCM tại lễ kỉ niệm 10 năm thành lập Bộ môn Kỹ thuật Y sinh (2009-2019). 

Hơn hết, sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí của Nhà nước, sự đầu tư một cách tích cực từ các doanh nghiệp sẽ giúp những công trình nghiên cứu đến được với thực tiễn, hình thành sản phẩm, đưa ra thị trường những sản phẩm y khoa “made in Việt Nam” có giá trị thiết thực cho cộng đồng, đặc biệt là những người nghèo.

Đó mới là mong muốn, là mục tiêu mà chị thực sự hướng tới đằng sau những công trình nghiên cứu của mình!

Thêm một nhà khoa học nữ VN nhận giải thưởng quốc tế L’Oréal-UNESCO 2018 - Tiến sĩ Hiệp là nhà nữ khoa học Việt Nam thứ hai nhận được giải này. Người đầu tiên là Tiến sĩ Trần Hà Liên Phương cũng là một giảng viên của bộ môn Kỹ thuật Y sinh.

Một nhà khoa học nữ của Việt Nam được thế giới vinh danh  - Lần đầu tiên, Việt Nam có một nhà khoa học nữ được vinh danh cùng 14 nhà khoa học nữ các nước qua giải thưởng Nhà Khoa học trẻ Tài năng của thế giới – Tiến sĩ Trần Hà Liên Phương

Nhà khoa học nữ Việt Nam được nhận Huy chương Pushkin của Nga - Ngày 4/11, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov trao giải thưởng nhà nước Liên bang Nga - Huy chương Pushkin năm 2017 cho ​phó giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Tuyết Minh.

Bình luận