Doanh nghiệp đề xuất chỉ nộp 1% phí công đoàn trên mức lương tối thiểu vùng

(VOH) - Ngày 10/10, Hiệp hội Da Giày - Túi xách Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban chấp hành mở rộng đóng góp ý kiến dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi.

Tại cuộc họp, nhiều nội dung thiết thực với tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp và người lao động đã được thảo luận, góp ý nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và bảo đảm các điều kiện để công đoàn hoạt động có hiệu quả nhất trong giai đoạn mới. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất là việc sử dụng hiệu quả kinh phí công đoàn. Đa số các doanh nghiệp đề xuất nộp 1% phí công đoàn trên mức lương tối thiểu vùng

Doanh nghiệp đề xuất chỉ nộp 1% phí công đoàn
Doanh nghiệp đề xuất chỉ nộp 1% phí công đoàn trên mức lương tối thiểu vùng. Hình minh họa

Luật Công đoàn 2012 quy định, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm cho người lao động. Về vấn đề này, ông Trần Văn Tắc, Giám đốc công ty TNHH Giày Tuấn Việt đề nghị cần thống nhất 2% trên mức lương tối thiểu vùng trên toàn quốc.

Về đóng quỹ lương theo tổng mức lương, theo ông nên thu 1% hoặc thu 2% trên lương cơ bản, bởi vì mỗi doanh nghiệp đều có quy chế về lương thưởng khác nhau và chi đúng hay sai thì doanh nghiệp đó chịu trách nhiệm, có như thế mới trực tiếp, đồng thời có sự khuyến khích động viên, tạo động lực cho người lao động làm việc.

“Mong muốn của doanh nghiệp là 62 ngàn tỷ đồng đến được doanh nghiệp thì nên đưa ra quy định phù hợp. Ví dụ những đơn vị nào giảm 2% doanh thu thì có được hưởng tiền vay không lãi suất để bù đắp lại cho người lao động. Tôi nghĩ rằng những câu chuyện đó mà đáp ứng được thì rất tốt cho các doanh nghiệp”, ông Trần Văn Tắc nói.

Kinh phí nộp và phần sử dụng kinh phí là phần doanh nghiệp thắc mắc nhiều nhất. Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc công ty may túi xách Minh Tiến (MiTi) đề nghị, làm sao có cơ chế để doanh nghiệp sử dụng lao động càng nhiều thì càng nộp phí công đoàn càng ít phần trăm hơn và  kinh phí nộp chỉ nên ở mức 1% theo lương tối thiểu vùng, bởi theo ông, trong tương lai mức này sẽ còn tăng nữa:

Mong muốn làm sao mức kinh phí công đoàn ở 1% trên mức lương tối thiểu vùng. Thứ hai doanh nghiệp băn khoăn có hai phần, phần nộp kinh phí bao nhiêu hợp lý. Trong các luật thực thi có 3 tính hợp là hợp pháp, hợp lệ và hợp lý. Chúng ta thì chỉ bàn tính hợp lý của nó”, ông Nguyễn Trí Kiên bày tỏ.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da Giầy - Túi Xách Việt Nam nêu ý kiến: “Chúng ta đóng 2% là do chủ sử dụng người lao động đóng. Còn 1% là đoàn viên công đoàn đóng. Nhưng nói đoàn viên công đoàn hay người lao động đóng thì đều là chủ doanh nghiệp đóng hết. Tôi nghĩ là chúng ta nên đề nghị quốc hội là đóng theo lương tối thiểu là 3%”.

Trước đề xuất của đa số các doanh nghiệp là chỉ nộp 1% phí công đoàn trên mức lương tối thiểu vùng, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội - Quốc hội giải thích: “Tại sao doanh nghiệp phải đóng 2% vào phí công đoàn để xây dựng phúc lợi cho người lao động. Bây giờ tiền lương trả cho cán bộ công đoàn nằm chủ yếu ở 1% đoàn phí, 1% này thất thu mỗi năm là 28% vì đó là người lao động và có nơi người ta cho giảm chỉ đóng 10 ngàn thôi, không đóng 1%, do đó phải dựa vào 2% này hòa vào 1% để trả tiền lương cho toàn bộ hệ thống công đoàn”.

Bình luận