Chờ...

Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày

VOH - Tình hình thị trường thế giới còn khó khăn ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, tác động không nhỏ đến ngành sản xuất công nghiệp chế biến đồ gỗ, dệt may và da giày nói riêng.

Ảnh hưởng từ biến động của tình hình địa chính trị thế giới dẫn tới gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng; tổng cầu thế giới giảm sút, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản... tác động không nhỏ đến sản xuất công nghiệp chủ lực may mặc, da giày, đồ gỗ…

Doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ nên tìm thêm thị trường ngách 1
Ngành dệt may, da giày, đồ gỗ xuất khẩu đang có mức sụt giảm đáng quan ngại - Ảnh: VGP

Nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết tại hội thảo "Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày".

Theo ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, thị trường EU đã và đang chuẩn bị ban hành nhiều quy định liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, phát thải carbon, quyền sửa chữa và tái chế... Do vậy, EU đang vận động doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam có cơ chế chuyển đổi năng lượng như lắp tấm điện mặt trời tại các nhà xưởng.

“Trong lĩnh vực da giày, xuất khẩu theo EVFTA không có sự thay đổi nhiều. Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh lớn nhất tại thị trường Liên minh châu Âu, chiếm hơn 40% tổng lượng hàng" - ông Trần Ngọc Quân thông tin thêm.

Riêng tại Mỹ - thị trường xuất khẩu tiềm năng của các sản phẩm, gỗ, dệt may, da giày - gần đây đang sụt giảm tương đối lớn, ông Đỗ Mạnh Quyền – Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ cho rằng: “Doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh, tìm hiểu quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường lớn như Hoa Kỳ; cải thiện chất lượng, công nghệ sản xuất.

Để phát triển thị trường, doanh nghiệp ngoài kênh phân phối lớn đã có, cần tìm đến các thị trường ngách. Đặc biệt, khi xúc tiến thương mại nên tìm đến các doanh nghiệp, người địa phương, ký kết hợp đồng tư vấn để tìm được thị trường ngách, giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ”.