Chờ...

Doanh nghiệp dệt may tìm cách tồn tại qua mùa dịch COVID-19

(VOH) - Ngành dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hiện nay nguồn cung nguyên liệu sản xuất cho ngành điện tử, dệt may của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Một số sản phẩm có đến 90% nguyên phụ liệu phải nhập từ nước ngoài, thiếu một chi tiết nhỏ thì sản phẩm cũng không hoàn thiện.

Trong tình cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp dệt may đã sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ để cầm cự trong giai đoạn này. Đáng mừng là các doanh nghiệp cũng nhận nhiều đơn hàng sản xuất những mặt hàng này từ nước ngoài.

Một dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Ảnh: Việt Thắng Jean)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động lớn đến kinh tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động đưa ra các giải pháp như liên kết, chia sẻ lợi nhuận, thậm chí tăng chiết khấu cho các đối tác. Nhiều doanh nghiệp đang liên hệ, tìm kiếm các nhà cung cấp trong và ngoài nước với các dòng nguyên liệu có nhu cầu lớn, đồng thời chủ động đàm phán với khách hàng đề nghị lùi đơn hàng, hoặc thay đổi một số nguyên phụ liệu.

Tổng Công ty May 10 nhập cuộc với 8 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế với công suất đạt tới 900.000 chiếc/ngày, tương đương 27 triệu khẩu trang y tế/tháng.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, công ty thiếu hụt gần 30% đơn hàng. Tuy nhiên việc sản xuất khẩu trang đã bù đắp phần nào sự thiếu hụt đơn hàng.

Hiện đã có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu đô la Mỹ, tương đương 30% doanh thu trong năm 2020. Đồng thời, một đối tác khác của Mỹ cũng đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần, một đối tác Đức đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu chiếc khẩu trang y tế.

Tuy nhiên, theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, sản xuất khẩu trang là việc chẳng đặng đừng vì không thể so sánh với giá trị sản xuất may mặc. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chuyển đổi để thích ứng và cố gắng bù đắp thiếu hụt vì 12.000 công nhân lao động.

Ông Việt chia sẻ: “Hiện nay, khẩu trang là cứu cánh về việc làm cho Tổng công ty May 10. Chúng tôi đã sản xuất gần 2 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn của công ty Dệt Kim Đông Xuân, May 10 đã quyết định nhận sản xuất may gia công cho công ty có chức năng về các nguyên liệu được chứng nhận là khẩu trang y tế. Hiện nay, các bộ phận đang liên lạc với nhà cung cấp đang rất rốt ráo câu chuyện là làm mọi cách để chuyển giao nguyên phụ liệu”.

Hiện 50% doanh nghiệp dệt may trong Hội dệt may cũng đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang để giải quyết tình trạng người lao động không có việc làm. Riêng Công ty Việt Thắng Jean vẫn sản xuất các đơn hàng online để xuất khẩu nhưng lượng đơn hàng này chỉ chiếm từ 10-15% công suất sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean cho biết: “Hiện nay trong ngành dệt may, có những doanh nghiệp chuyển sang khẩu trang để giữ chân lao động, nhưng giữ được bao lâu? Mặt hàng cung cấp vào thị trường Mỹ, EU thì khó khăn, chỉ hy vọng thị trường Việt Nam và châu Á.

Việt Nam tôi dự báo là cuối năm sẽ tốt. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam quay lại. Do đó phải xây dựng thương hiệu và có mặt hàng ra thị trường. Thế nhưng chúng ta vẫn phải xem xét lại hàng hóa của các tháng vì thời trang theo thời vụ, qua thời vụ giảm giá, tồn ở các xí nghiệp chưa sản xuất được”.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ chỉ là hoạt động cầm chừng để doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trong COVID-19, khi dịch qua đi, mặt hàng này sẽ suy giảm nhanh chóng.

Ông Cẩm khẳng định, hàng năm ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu khoảng 60% vải, hơn 55% xơ sợi và khoảng 45% phụ liệu từ Trung Quốc phục vụ cho sản xuất. Đa số các doanh nghiệp dệt may chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4, sau đó sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn đầu vào để sản xuất.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung khác như nguồn cung trong nước, nguồn từ các nước khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ… Tuy nhiên, các nguyên vật liệu từ các nguồn cung này chưa đa dạng, phong phú về mẫu mã, khó đáp ứng các đơn hang.

Theo ông Cẩm: “Ngành dệt may 3 tháng đầu năm lao đao vì trên 60% nguyên phụ liệu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do đó cần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước có chính sách quy hoạch những vùng dệt may lớn, địa phương cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu chúng ta kiểm soát tốt thì ô nhiễm sẽ không xảy ra. Nếu các địa phương vẫn không cấp phép, thì dù doanh nghiệp cố gắng đến đâu, thêm bao nhiêu hiệp định thương mại nữa thì chúng ta vẫn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài”.

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cũng nhận thấy bất cập khi không chủ động được nguồn nguyên liệu, nhất là phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động phân tích, đánh giá lại môi trường hoạt động, để điều chỉnh, tái cơ cấu lại doanh nghiệp.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh gợi ý một số việc doanh nghiệp cần chủ động làm: “Những nước dập dịch tốt như Trung Quốc, sắp tới là Hàn Quốc, nhu cầu bắt đầu quay trở lại. Vấn đề đa dạng hóa thị trường, không nhất thiết là phải bỏ cái này để lấy cái kia, mà chúng ta phải biết đa dạng hóa, tính đến những rủi ro khác nhau, bên cạnh còn nước còn tát, các chuỗi giá trị, mạng sản xuất vẫn còn hoạt động thì vẫn tiếp tục làm. Sau dịch, thường nhu cầu sẽ bật lên khá mạnh, bao giờ cũng có bước chuyển nhanh chóng, làm sao chúng ta có sự chuẩn bị, điều này gắn với rất nhiều thị trường, hiểu về thị trường của họ hiểu về cam kết của Việt Nam với họ để làm ăn và chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm”.

Để tồn tại qua mùa dịch, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi xuất khẩu và cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ vay ưu đãi, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực ưu tiên.

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 7/5/2020: USD duy trì đà tăng, Euro chịu áp lực bán - Đô la Mỹ tiếp tục tăng khi chuẩn bị có dữ liệu thất nghiệp của Mỹ, còn Euro chịu áp lực giảm giá.

Giá vàng hôm nay 7/5/2020: Giảm mạnh trong bối cảnh USD tăng, dầu giảm - Giá vàng thế giới ngày 7/5 giảm mạnh với áp lực tiêu cực khi thị trường chứng kiến giá dầu thô thấp hơn và chỉ số đô la Mỹ cao hơn.