Doanh nghiệp tái khởi động với công thức 4R

(VOH) - TPHCM trở lại trạng thái bình thường mới hơn 10 ngày, thói quen tiêu dùng, mua sắm, vận chuyển hàng hoá truyền thống đang chuyển đổi mạnh mẽ bởi sự lên ngôi của thương mại điện tử.

Nhân ngày Doanh Nhân VN 13/10 hôm nay cũng là thời điểm TPHCM đã trở lại trạng thái bình thường mới được hơn 10 ngày nhưng những thói quen cũ như tiêu dùng, mua sắm, vận chuyển hàng hoá truyền thống đang chuyển đổi mạnh mẽ bởi sự lên ngôi của thương mại điện tử. Vậy doanh nghiệp cần có giải pháp gì để thích ứng linh hoạt với môi trường bình thường mới bằng chiến lược mới hơn bình thường ra sao?

VOH trao đổi cùng ông Mã Thanh Danh - Phó tổng GĐ tập đoàn KiDo group - chủ tịch HĐQT cty tư vấn quốc tế  CIB.

VOH: Thưa ông, trở lại với trạng thái bình thường mới lần này, theo ông quan sát thị trường, hành vi mua sắm người tiêu dùng đã có thay đổi như thế nào?

Ông Mã Thanh Danh: TPHCM quay lại trạng thái bình thường mới, nhưng phải xác định trạng thái này mới hơn bình thường như nhu cầu tiêu dùng dè xẻn hơn thì với góc độ doanh nghiệp phải phát hiện ra những nhu cầu mới, thói quen của người dùng đã hình thành trong 5 tháng qua là gì? Họ thích làm việc tại nhà hơn, sợ Covid nên tuân thủ an toàn thích ứng mới và thương mại điện tử lên ngôi.

Với  đợt dịch lần 4 này, thương mại điện tử cực kì quan trọng, ai cũng mua sắm qua điện thoại, đặt hàng online.

Như thế từ người tiêu dùng, doanh nghiệp đều đã thay đổi. Vậy thì những doanh nghiệp nào khởi động lại theo xu hướng thiết kế được nhu cầu phù hợp với người tiêu dùng, độ giá phù hợp hơn thì thành công.

Vậy khái niệm tôi đưa ra là  doanh nghiệp phải thiết kế lại mô hình kết hợp online to offline, với một chiến lược chinh phục "cơn hoảng loạn" trong môi trường bình thường mới, mới hơn bình thường từ cách nghĩ, cách làm, hệ thống, văn hoá, thói quen người tiêu dùng và doanh nghiệp chỉ có thích ứng với người tiêu dùng hay là "chết".

Doanh nghiệp là vắc-xin nền kinh tế 1
Ông Mã Thanh Danh - Phó tổng GĐ tập đoàn KiDo group - chủ tịch HĐQT cty tư vấn quốc tế  CIB.

VOH: Rõ ràng sự thích ứng không dễ dàng nhất là trong bối cảnh thiếu hụt lao động ở các DN, vậy theo ông DN có thể tìm thấy cơ hội từ thương mại điện tử, từ tự động hoá như thế nào?

Ông Mã Thanh Danh: Chúng ta cũng làm thương mại điện tử, chỉ mới được 50% 4.0, còn lại là 0.4. Đơn cử kho hàng, chúng ta vẫn phải có người làm, giao hàng vẫn thủ công. Trong điều kiện Covid vẫn xin lỗi vì giao hàng chậm. Như vậy, bài giải cho các doanh nghiệp là gì?

Thứ 1, nếu có điều kiện phải công nghệ hoá, hiện đã dùng robot sử dụng tại kho hàng để hạn chế tiếp xúc lây nhiễm và trong tương lai, doanh nghiệp phải tăng cường hàm lượng tự động hoá.

Hiện, lực lượng lao động bình thường đã rời bỏ Thành phố, thiếu hụt lao động thì doanh nghiệp bù vào bằng cách nào thì chắc chắn một phần phải tự động hoá. Doanh nghiệp phải giải quyết bài toán này xuyên suốt trong chuỗi cung ứng của mình. 

Doanh nghiệp phải xây dựng kho hàng phân tán các quận huyện, tự xây dựng đội ngũ shipper, đội ngũ cộng tác viên. Khi bình thường hoá thì chúng ta cũng phải xây dựng 1 đội ngũ nhân viên làm work from home để đảm bảo bất kì có biến động nào đều thích ứng được, mô hình linh hoạt theo từng bối cảnh.

VOH: Với góc độ chuyên gia tư vấn, ông có đề xuất gì để góp phần giúp cho TPHCM, cho DN phục hồi và phát triển kinh tế trong tình hình mới?

Ông Mã Thanh Danh: Như Thủ tướng chính phủ đưa ra các thông điệp của tình hình mới cần phải thích ứng linh hoạt, an toàn. Tôi có đề xuất một công thức với thành phố là 4 chữ R. Đó là Restart, Refresh, Reaction và Review.

Restart là sẽ tạo 1 môi trường khuyến khích doanh nghiệp tái khởi động nền kinh tế, nhu cầu vốn kích thích doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm thuế để họ tự tin khôi phục lại. Xây dựng chính quyền điện tử, Thành phố thông minh để xây dựng tất cả hệ thống cổng thông tin doanh nghiệp xuyên suốt, từ đó có quyết sách dễ dàng, không gây khó cho doanh nghiệp. Ví dụ hay nói như thế nào là hàng thiết yếu thì cứ lên cổng thông tin doanh nghiệp là có hết.

Refresh lại doanh nghiệp bằng cách giao tự quản, test Covid và nhà nước hậu kiểm bằng quy trình. Sau khi thực hiện xong thì quay video đưa lên cổng thông tin.

Reaction cùng hành động thích ứng linh hoạt. Cuối cùng là Review, những chính sách nào tốt thì phát huy, còn chưa tốt thì chỉnh lại.

Chúng ta phải thực tế nhìn nhận hiện nay trên thị trường vào tháng 8/2021 có đến 85.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong đó TPHCM có 24.000 doanh nghiệp rút lui và tạm ngừng kinh doanh. Do đó, chúng ta phải tái khởi động kinh tế đến 3,4 dự án, chúng ta phải restart giúp DN refresh những chiến lược, kịch bản sắp tới từ đó, khái niệm bình thường mới là thích ứng và linh hoạt.

VOH: Ông cảm nhận như thế nào về thế hệ doanh nhân hiện nay những người đang có đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước nói chung và TPHCM nói riêng?

Ông Mã Thanh Danh: Xin chúc mừng ngày Doanh nhân VN 13/10. Thời gian qua vacxin là cụm từ nổi tiếng, giúp ta vượt qua cơn hoảng loạn của Covid. Doanh nghiệp là những chiến sĩ đang tạo lại "vacxin" cho nền kinh tế.

Nếu chúng ta không khởi động lại, chúng ta không có vacxin cho nền kinh tế. Như vậy, chúng ta phải sử dụng trí tuệ tập thể, phải đoàn kết để vươn lên, hướng về tương lai tốt đẹp.

Hơn nữa, thế hệ doanh nhân sau 30, 40 năm phải nghĩ đến giai đoạn retire, suy nghĩ xây dựng hệ thống kế thừa theo phương châm BUILD TO THE LAST. Chúng tôi có chia sẻ từ một cty gia đình thành một cty đại chúng thì làm sao trường tồn đó là phải xây dựng một hệ doanh nghiệp trường tồn, một hệ thống kế thừa, một tập thể kế thừa để góp ý và xây dựng ra các chiến lược thích ứng, cơ chế chuyên nghiệp, tách khỏi ra một quyền điều hành và sở hữu có sự minh bạch khác nhau.

Một hệ thống điều hành sẽ khác một người quyết định. Xin chúc các bạn doanh nghiệp sẽ xây dựng được hệ thống kế thừa và chúng ta đang làm một việc rất tự hào là "vacxin" cho nền kinh tế, tái khởi động nền kinh tế.

VOH: Cảm ơn ông!