Chờ...

Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

(VOH) - Sáng 2/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các Đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi tiếp xúc trực tuyến với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Buổi tiếp xúc trực tuyến với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố của chủ tịch nước để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

nha-nuoc-se-co-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-san-xuat-voh.com.vn-anh1
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri với doanh nghiệp TP.HCM theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã có nhiều đề xuất kịp thời trong bối cảnh dịch Covid-19 đang còn nặng nề ở Thành phố. Đặc biệt trong buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp hôm nay là dịp để các Đại biểu Quốc hội lắng nghe, ghi nhận và kiến nghị các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương kịp thời tháo gỡ để doanh nghiệp Thành phố phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới.

Trước khi lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia sẻ đến đồng bào TPHCM đã bị tác động nặng nề của đợt dịch Covid 19 lần thứ tư này: “Tôi xin được gửi lời chia sẻ với đồng bào, nhân dân TPHCM về những đau thương, mất mát quá lớn do tác động của đại dịch Covid-19. Chia sẻ sâu sắc về những vất vả, khó khăn, kể cả thiệt hại về việc làm, kinh tế, sinh kế của người dân, doanh nghiệp do tuân thủ giãn cách xã hội khi dịch xảy ra hơn 4 tháng".

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, nguồn lực của doanh nghiệp hiện nay đã cạn kiệt, không còn đủ vốn để phục hồi sản xuất nhanh được. Do đó doanh nghiệp rất cần được sự tiếp sức kịp thời, cũng như có cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Trong đợt dịch lần này chỉ có khoảng 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, "1 cung đường 2 điểm đến". Dù thành phố đã bước vào giai đoạn bình thường mới, nhưng khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt là rất lớn.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm Thành phố, cùng với khó khăn về vốn, thì nguồn nhân lực cũng là vấn đề nan giải hiện nay: “Theo thống kê thì thiếu khoảng 10.000 công nhân, chúng tôi đã báo cáo UBND và đề xuất các Sở GTVT phối hợp để rước công nhân về với doanh nghiệp”.

Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM Phạm Văn Việt cho biết thêm, Thành phố có tổng số hơn 4,7 triệu người lao động đang làm việc, trong đó có trên 3,2 triệu lao động thuộc khối sản xuất, kinh doanh, hơn 50% trong số này là lao động ngoại tỉnh.

Hiện nhiều người lao động có nguyện vọng quay lại TPHCM làm việc nhưng vẫn chưa thể quay lại do chưa đáp ứng một số yêu cầu phòng, chống dịch, cùng với các quy định đi lại khó khăn giữa các địa phương. Do đó, đề xuất Chính phủ và TPHCM cũng như các tỉnh cần có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có thể quay lại làm việc khi kiểm soát được dịch bệnh.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động, dòng tiền như oxy đối với doanh nghiệp và nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ khiến doanh nghiệp không thể vực dậy.

Chia sẻ trước nhiều khó khăn của doanh nghiệp TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành tiếp thu và đề xuất các giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời để đưa đầu tàu kinh tế TPHCM phục hồi phát triển ngay trong quý 4 năm nay: “Đảng, Nhà nước, Thành phố sẽ tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, nới dần giãn cách xã hội phục hồi kinh tế. Đặc biệt có 1 số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kể cả tài khóa, tiền tệ và cách chính sách khác”.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp để báo cáo Quốc hội xem xét sớm có những chính sách kịp thời để tiếp thêm năng lượng cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển trở lại.

Riêng những kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương, Chủ tịch nước đề nghị TPHCM khẩn trương giải quyết, vì nếu chậm 1 ngày thì doanh nghiệp sẽ càng khó thêm và có nhiều nguy cơ sẽ dừng hoặc tạm ngưng hoạt động,'ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của nền kinh tế.