Như vậy mới chỉ những ngày đầu nhưng công tác triển khai Tổng điều tra kinh tế rất khả quan.
Theo Tổng cục Thống kê, mục đích cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021 nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; Đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu sự phân bổ của các cơ sở và lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, địa phương.
Trong lần tổng điều tra này, Tổng cục Thống kê sẽ tính toán, biên soạn lại chỉ tiêu GDP toàn nền kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê.
>>> Tiến hành Tổng điều tra kinh tế năm 2021 từ ngày 1/3
Phóng viên Phi Yến có cuộc trao đổi cùng ông Huỳnh Văn Hùng - Cục trưởng Cục thống kê TPHCM về quy trình triển khai tổng điều tra kinh tế 2021 tại TPHCM hiện nay và những vấn đề cần lưu ý đối với các đơn vị tham gia kê khai lần này.
* Cả nước đang bước vào giai đoạn Tổng điều tra kinh tế năm 2021, riêng TPHCM thực hiện vấn đề này theo quy trình như thế nào? Có gì mới so với cuộc tổng điều tra trước đây?
- Ông Huỳnh Văn Hùng: Theo luật thống kê năm 2015, ngành thống kê có 3 cuộc tổng điều tra lớn thì tổng điều tra kinh tế là 1 trong 3 cuộc tổng điều tra đó. TPHCM do là trung tâm kinh tế thì ngành thống kê của cả nước chiếm tỉ trọng 30%.
Chính điều đó số lượng Doanh nghiệp, cá thể rất lớn. Nếu so với cuộc Tổng điều tra năm 2017, thì cuộc Tổng điều tra lần này có những điểm khác biệt lớn, đó là:
- Áp dụng triệt để khai thác hồ sơ hành chính thông qua việc khai thác thông tin từ các các sở, ngành đặc biệc từ dữ liệu cơ quan Thuế.
- Triển khai cho 100% doanh nghiệp sẽ thực hiện kê khai trên trang Web (https://thongkedoanhnghiep.gso.gov.vn), trong khi đợt Tổng điều tra trước chúng ta thực hiện trên giấy, đây làm điểm đổi mới quan trọng nhất, điểm nhấn so với năm 2017, chúng ta cần phải khai thác tối đa để thông tin được công bố kịp thời.
- Các thông tin trên phiếu điều tra sau khi hoàn thành sẽ được chuyển thẳng về Hệ thống máy chủ tập trung để xử lý dữ liệu mà không cần phải nhập tin như đợt Tổng điều tra năm 2017. Điều này giúp cho khâu tổng hợp được triển khai nhanh và công bố chính xác hơn;
- Thông tin kê khai phiếu điều tra trong quá trình kê khai được kiểm soát tự động ngay từ khi nhập tin, hạn chế được những lỗi sai sót của doanh nghiệp ngay từ khâu cung cấp dữ liệu ban đầu.
- Tính đến thời điểm này, vấn đề triển khai theo tôi là rất phù hợp, đảm bảo đúng quy trình, thông tin số liệu chính xác, khách quan và kịp thời.
* VOH: Có phải tất cả doanh nghiệp điều phải kê khai trong cuộc tổng điều tra kinh tế này không và ông có thể cho biết doanh nghiệp sẽ phối hợp thực hiện với cơ quan chức năng ra sao trong đợt tổng điều tra này?
- Ông Huỳnh Văn Hùng: Theo Quy định của Phương án điều tra, tính đến thời điểm ngày 31/12/2020 tức là cái mốc chọn điều tra thì TPHCM có khoảng gần 300.000 doanh nghiệp, theo quy định của phương án này thì những những doanh nghiệp thành lập sau thời điểm 31/12/2020 sẽ không thuộc đối tượng điều tra.
Ngoài ra những doanh nghiệp thuộc 59 tập đoàn Tổng công ty và những doanh nghiệp thuộc Bộ Công An và Bộ Quốc phòng sẽ do BCĐ Trung ương tiến hành điều tra.
Để cuộc Tổng điều tra Kinh tế hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm về chất lượng thông tin, ngành Thống kê rất cần sự phối hợp của các doanh nghiệp, trong đó khẩn trương thực hiện kê khai thông tin trên trang Web theo yêu cầu của Phương án và hướng dẫn của điều tra viên được phân công phụ trách, nhằm dảm bảo kê khai đầy đủ, chính xác các thông tin trên phiếu điều tra.
Đối với ngành Thống kê chúng tôi từ cấp Thành phố đến Chi cục Thống kê các quận, huyện luôn sẵn sàng kết nối, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong quá trình đăng nhập và kê khai thông tin cho đến khi xác nhận hoàn thành toàn bộ phiếu điều tra.
Những thông tin mà doanh nghiệp cung cấp sẽ được bảo mật tuyệt đối theo quy định của Luật Thống kê.
Đối với các Sở, ngành có liên quan và Thành viên Ban chỉ đạo các cấp; Cục Thống kê đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền thông tin đến các doanh nghiệp; Đặc biệt đối với Cục Thuế Thành phố, đề nghị hỗ trợ ban hành văn bản đôn đốc các doanh nghiệp khẩn trương vào Kê khai thông tin thống kê và nộp báo cáo tài chính trên trang Web của ngành Thống kê theo quy định của Phương án Tổng điều tra.
Cục Thống kê cũng đề nghị giám đốc, người phụ trách các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao, Khu Phần mềm Quang Trung tuyên truyền mục đich, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra đến các doanh nghiệp đang đóng trong các khu này.
* VOH: Dịch Covid-19 tác động rất lớn đến doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh bất ngờ đóng cửa, theo ông điều đó có tác động đến kết quả tổng điều tra hay không?
- Ông Huỳnh Văn Hùng: Năm 2020 vừa rồi, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến doanh nghiệp. Theo thủ tướng chính phủ yêu cầu thì ngành thống kê của chúng tôi trong năm qua đã có 2 cuộc điều tra rất lớn để thu thập những biến động của các doanh nghiệp đối với dịch bệnh.
Trên cơ sở đó có khoảng 50.000 doanh nghiệp không phát sinh doanh thu và bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch bệnh. Như vậy, số lượng này chiếm khá lớn trong tỉ trọng doanh nghiệp TP.
Khó khăn của doanh nghiệp trong sản xuất ít nhiều đã ảnh hưởng đến công tác triển khai điều tra, đặc biệt là nhưng doanh nghiệp đã đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc chuyển địa điểm kinh doanh do vậy rất khó tiếp cận để triển khai đối với các doanh nghiệp này, đây cũng là vấn đề khó khăn mà ban chỉ đạo Thành phố đã lường trước, mặc dù biết rằng khá khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, Ban chỉ đạo các cấp đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện để cùng triển khai một cách đồng bộ, từ khâu rà soát danh sách, tuyên truyền đến phân công cho hơn 1.000 điều tra viên có trình độ, kinh nghiệm trong điều tra doanh nghiệp hàng năm. Trong đó có sự giúp lớn của Cơ quan Thuế trong việc tuyên truyền và đôn đốc các doanh nghiệp tham gia tích cực vào công tác Tổng điều tra kinh tế lần này.
* VOH: Khi tiến hành tổng điều tra này, Cục có lường trước những khó khăn có thể gặp phải không? Đó là gì, hướng giải quyết ra sao?
- Ông Huỳnh Văn Hùng: Xin nói thêm một chút về tổng điều tra kinh tế, đợt này thực chất có 4 tổng điều tra lớn. Đợt 1 từ ngày 1/3 với tổng điều tra về doanh nghiệp, thứ 2 là hành chính sự nghiệp và hiệp hội. Đợt thứ 2 từ ngày 1/7 gồm điều tra về cá thể và điều tra về cơ sở tín ngưỡng tôn giáo.
Những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai điều tra như đã thấy là số lượng 4 cuộc điều tra rất lớn, có các doanh nghiệp chuyển đổi địa chỉ kinh doanh nhưng cơ quan nhà nước chưa kịp cập nhật dẫn đến tình trạng khi danh sách của các cơ quan như Cục Thuế, Sở Kế hoạch Đầu tư chuyển qua chưa thật sự chính xác, cụ thể có tới gần 100.000 doanh nghiệp đang tồn tại nhưng hoạt động không đúng địa chỉ;
Mặc dù trên danh sách những doanh nghiệp điều tra lần này cơ bản đều có địa chỉ email để liên hệ, song cũng có khá nhiều địa chỉ email bị sai lệch hoặc đã chuyển đổi sang địa chỉ email khác nên, có đến hơn 20% địa chỉ email giao dịch không thành công.
Nội dung của Phiếu điều tra khá phức tạp, các chỉ tiêu kinh tế trong từng loại phiếu khác nhau tùy theo từng ngành kinh tế. Vì vậy để xác định được đúng được tình trạng hoạt động; sản phẩm ngành, dịch vụ; doanh thu của từng ngành của doanh nghiệp đang tạo ra để ghi vào phiếu điều tra tương đối khó khăn, đòi hỏi người cung cấp thông tin phải nắm và hiểu được về ý nghĩa của các chỉ tiêu thống kê trên từng loại phiếu;
Khó khăn tiếp theo đó là một bộ phận doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc cung cấp thông tin và gửi phiếu về cơ quan Thống kê. Những thông tin gửi về cơ quan Thống kê đã được kê khai chưa thực sự chính xác và chưa kê khai đầy đủ các thông tin, đặc biệt là kê khai thiếu về cơ sở/chi nhánh trực thuộc của doanh nghiệp.
Để khắc phục những khó khăn trên, Cục Thống kê Thành phố đã chủ động đề ra các giải pháp đó là:
Tăng cường phối hợp với Cục Thuế và các đơn vị có liên quan để tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra; đồng thời gửi văn bản đến các đơn vị phối hợp, thực hiện tốt việc kê khai phiếu điều tra;
Chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp và sẵn sàng trả lời, giúp đỡ các doanh nghiệp trong việc kê khai phiếu điều tra, đặc biệt là hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp trong việc xác định mã ngành, sản phẩm và tình trạng hoạt động cũng như các chỉ tiêu khác trên phiếu điều tra;
Giám sát việc thực hiện hướng dẫn, đôn đốc của các điều tra viên đối với doanh nghiệp, đồng thời thường xuyên theo dõi tiến độ điều tra của từng đơn vị để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Trên tinh thần đó, Cục Thống kê Thành phố là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo tổng điều tra kinh tế của thành phố rất cảm ơn sự phối hợp của ban chỉ đạo các cấp, của các đơn vị và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia tích cực để cuộc tổng điều tra đạt kết quả theo yêu cầu.
* VOH: Xin cảm ơn ông!
Thời gian thu thập thông tin của cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021, đối với khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã từ 1/3 đến hết 30/5, với các tỉnh, thành phố có trên 8.000 doanh nghiệp trở lên, thời gian thu thập thông tin chậm nhất đến 31/8. Với đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, thời gian thu thập thông tin từ 1/3 đến 30/4, đối với cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, thời gian thu thập thông tin điều tra từ 1/7 đến 30/7, đối với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thời gian thu thập thông tin từ 1/7 đến 30/7. Mỗi doanh nghiệp được cấp một tên đăng nhập và mật khẩu vào trang web https://thongkedoanhnghiep.gso.gov.vn để tự điền thông tin vào bảng hỏi. Trong trường hợp bất khả kháng, doanh nghiệp không có đủ điều kiện để điền thông tin trực tuyến, điều tra viên sẽ hướng dẫn doanh nghiệp điền thông vào phiếu giấy và gửi phiếu có dấu hoặc chữ ký số xác nhận cho điều tra viên. Kết quả của cuộc tổng điều tra kinh tế - xã hội dự kiến được công bố vào tháng 2/2022. |