Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”: Vừa làm vừa lo

(VOH) - Nhiều doanh nghiệp phải căng mình chịu rất nhiều chi phí để duy trì “3 tại chỗ", "2 địa điểm - 1 cung đường", đó là chưa kể đến những rủi ro về nguy cơ bùng phát ổ dịch tại chỗ khi thực hiện

Chưa kể doanh nghiệp còn phải lo chi phí về vận hành, lo chỗ ăn ở ngủ nghỉ cho hàng trăm công nhân tại chỗ vì đã lỡ các đơn hàng đã ký kết với đối tác nước ngoài.

doanh-nghiep-thuc-hien-3-tai-cho-vua-lam-vua-lo-voh.com.vn-anh1
Tổ chức khám sàng lọc và tầm soát Covid -19 theo định kỳ, chi phí tăng cao.

Những ngày này, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm Thành phố, đang rất lo lắng khi một số nhà máy ở TPHCM thực hiện “3 tại chỗ” hay còn gọi là “3T” bị nhiễm Covid-19. Cả tháng nay, doanh nghiệp của ông cũng thực hiện “3 tại chỗ”, vừa phải lo duy trì hoạt động nhà máy, thực hiện các đơn hàng đã ký kết với đối tác, vừa phải  lo thuê người nấu nướng, lo chỗ ăn ở cho hàng trăm công nhân. Tuy đã thực hiện “3 tại chỗ”, nhưng ông Hiến cho biết vấn đề này vô cùng khó khăn với doanh nghiệp và không thể kéo dài lâu.

“Việc áp dụng 3 T theo tôi hoàn toàn không giản đơn. Việc ăn ở tập trung như thế này như một xã hội tại công ty rất khó khăn. Chi phí tăng ca cho các doanh nghiệp. Không thể kéo dài được do áp lực tâm lý, tôi nghĩ 2 tuần, 3 tuần, còn hơn 1 tháng không giản đơn đối với việc duy trì “3T”, ông Hiến nêu thực trạng tại doanh nghiệp mình.

Cũng thực hiện “3 tại chỗ”, ông Phạm Văn Việt, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jeans, Thành phố Thủ Đức, TPHCM cho hay vô cùng khó khăn và gian nan. Do vướng đơn hàng trước đó đã đàm phán xuất khẩu đi EU nên công ty phải cố gắng duy trì hoạt động. Thế nhưng ông Việt nói rằng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, áp lực.

Để thực hiện “3 T”, các công nhân được yêu cầu cùng làm việc, cùng ăn, cùng ở ngay tại các phân xưởng. Những khu vực sinh hoạt chung như nhà vệ sinh, phòng ăn, hành lang… được phun cồn 70 độ 3 lần mỗi ngày. Nguyên liệu, hàng hóa nhập đều được hấp, xịt khuẩn kỹ càng. Công ty cố gắng loại bỏ mọi nguy cơ dịch bệnh. Thế nhưng trong một lần xét nghiệm tầm soát, 19 công nhân nhà máy dương tính với SARS-CoV-2. Nguồn lây được nghi do một người bán nước gửi hàng vào cho công nhân. Thành phố Thủ Đức đã phải bố trí 2 trường trung học để công ty thu dung chữa các F0, F1 và F2. Hiện công ty chỉ giữ lại một phân xưởng nhỏ để sản xuất hết đợt hàng theo hợp đồng, sau đó sẽ đóng cửa.

Ông Việt nhìn nhận, do đợt dịch ở các tỉnh phía Nam quá lớn, khiến lượng người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng hàng chục ngàn người. Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cũng không tránh khỏi giữa làn sóng dịch, có thể bị lây nhiễm vào bất cứ lúc nào. Trong khi đó, biến thể Delta mới của virus khiến tỷ lệ lây nhiễm cao. Và với môi trường làm việc trong nhà máy, việc chỉ cần xuất hiện một ca F0, lập tức hàng trăm người khác sẽ là F1 hoặc F2. Ngoài ra, với mật độ nhà máy, xí nghiệp ở khu vực phía Nam, lượng công nhân rất lớn, việc tìm đủ chỗ ở cho công nhân đáp ứng "3 tại chỗ" là vô cùng nan giải. 

Theo ông Việt, do đặc thù của ngành dệt may sử dụng lao động rất đông, từ 300 đến 3.000 lao động trở lên nên đa số đều có phương án thực hiện “3 tại chỗ”, thế  nhưng chỉ có khoảng 10-15% doanh nghiệp trong ngành đủ điều kiện thực hiện, còn lại phải đóng cửa. Trong khi doanh nghiệp thu lợi chính từ việc gia công hàng dệt may xuất khẩu, lợi nhuận trong chuỗi thu về chỉ khoảng 8% giá trị sản phẩm, thế nhưng chi phí để duy trì sản xuất mùa dịch đã vượt nhiều lần 8%, chưa kể nguy hiểm đến sức khỏe và tinh thần của công nhân. Số khác gặp phải khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào do nhập từ Trung Quốc, dù đã có doanh nghiệp Việt Nam thay thế nhưng không đa dạng và không nhiều chủng loại, thiếu kho bãi để sản xuất.

“Nguyên phụ liệu ví dụ như sắt thép lên giá cũng ảnh hưởng đến việc tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhưng không nặng bằng đợt này. Trong nước, chủ quan từ 7-10 ngày là chúng tôi lấy lại nhập kho được. Tất cả có một số khu công nghiệp từ các cảng về hiện nay chúng tôi đang rất khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu. Hiện nay có nguyên liệu may thì lại không có nguyên liệu thành phẩm đầu vào để xuất khẩu”, ông Việt nêu vấn đề.

doanh-nghiep-thuc-hien-3-tai-cho-vua-lam-vua-lo-voh.com.vn-anh2
Một doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, bố trí chỗ ngủ cho nhân viên.

Khó khăn chồng chất

Hơn 1 tuần qua, các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam phải đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), hiện nay chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thủy sản đủ điều kiện 3T, còn lại các doanh nghiệp không đủ điều kiện đã phải ngừng sản xuất, dẫn đến một số hệ lụy như nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, mất khách hàng, rủi ro không huy động được công nhân sau giãn cách. Với những nhà máy còn hoạt động, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ đạt 30-50%, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Tháng 7 năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt gần 763 triệu đô la Mỹ, giảm 4% so với cùng kỳ.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Nam cho hay, trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn như chi phí xét nghiệm hằng tuần, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân ăn,  ngủ, làm việc tại nhà máy tăng từ 50-100%, chi phí trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30 - 50%, trả lương và chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc, chi phí bao bì - vật tư - bột - phụ liệu tăng cao, chi phí điện sản xuất và duy trì kho đông lạnh, phí cước tàu biển liên tục tăng từ 2-3 đến 10 lần. Ngoài ra, nếu không thể giao hàng đúng hạn, doanh nghiệp có thể chịu các khoản phạt từ 5-10% giá trị của lô hàng.

“Khó khăn về tiền tàu, phí lưu kho, lưu bãi tăng, phí ngân hàng tăng, mọi thứ, các chi phí giao dịch trong công ty tăng, như vậy đưa đến các công ty làm hải sản không có hiệu quả và lỗ. 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi đối diện với lỗ nhưng ráng duy trì sản xuất”, bà Thu Sắc nêu khó khăn.

Phải tìm giải pháp lâu dài

Trước đó, khi dịch lây lan ra các khu công nghiệp, UBND Thành phố chỉ cho phép doanh nghiệp hoạt động sản xuất khi đảm bảo đúng phương châm "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 địa điểm". Tính đến ngày 21/7, có 618 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ", "2 địa điểm - 1 cung đường". Các cơ quan chuyên môn đã thẩm định 479 doanh nghiệp, trong đó 414 doanh nghiệp đủ điều kiện và 56 doanh nghiệp phải dừng hoạt động do không đủ điều kiện.

Riêng khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có khoảng 391 doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, chiếm khoảng 60% số doanh nghiệp đã đăng ký 3T. Trước khó khăn của nhiều doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố – Chu Tiến Dũng cho biết, Hiệp hội đã có 2 văn bản gởi đến UBND Thành phố đề xuất tháo gỡ: “Các doanh nghiệp nếu không tiếp tục duy trì được sản xuất thì có thể sẽ mất thị trường. Trong điều kiện các nước đang tăng tưởng rất nhanh mà chúng ta lại gặp cái lệch pha này. Do đó, tôi cho rằng các doanh nghiệp chúng ta đoàn kết nhiều hơn, siết chặt tay nhau hơn nữa, tìm mọi cách để kết nối, để sử dụng nguồn sản phẩm đầu vào trong chuỗi cung ứng của nhau để làm sao bảo vệ được thị trường trong nước là rất cần thiết”.

Việc áp dụng phương châm “3 tại chỗ, 1 cung đường, 2 địa điểm” đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. Hiện các doanh nghiệp phía Bắc áp dụng “3 tại chỗ” cũng đã bắt đầu gặp vấn đề, nhất là nếu duy trì lâu có thể gây hệ lụy về mặt tâm lý, an sinh của người lao động khi họ bị tách khỏi gia đình quá lâu. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp phía Nam có số lượng lao động từ các địa phương khác rất lớn, do đó không đủ điều kiện áp dụng phương thức này và buộc phải đóng cửa tạm thời và chưa có lộ trình để các doanh nghiệp mở cửa lại.