Doanh nghiệp vận tải loay hoay tìm phương án ổn định giá cước

(VOH) - Việc giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành giá cả của liên Bộ Công Thương-Tài Chính vào ngày 21/2 đã đẩy chi phí đầu vào của các DN vận tải tăng lên so với trước.

Mặc dù gặp nhiều áp lực, nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho biết vẫn rất cân nhắc để quyết định có nên tăng giá cước vận chuyển lúc này hay không vì nhu cầu vận chuyển của thị trường lúc này vẫn chưa phục hồi như cũ.

doanh-nghiep-van-tai-loay-hoay-tim-phuong-an-on-dinh-gia-cuoc-voh.com.vn-anh1
Hành khách mua vé tại Bến xe Miền Đông. (Ảnh: SGGP)

Sau những ngày cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đến nay, hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách đã quay trở lại với nhịp độ bình thường, cả đường không, đường bộ và đường sắt. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này cho biết, công suất hoạt động vẫn chưa hồi phục hoàn toàn như trước dịch. Cụ thể, doanh nghiệp vận tải Phương Trang - đơn vị có thị phần vận tải hành khách lớn ở khu vực phía Nam hiện công suất hoạt động mới chỉ đạt 70%, Nhà xe Thành Công tuyến Tây Nguyên - TPHCM, Chín Nghĩa (tuyến Quảng Ngãi - TPHCM), Kim Cafe (tuyến TPHCM - Nha Trang)… công suất hiện tại chỉ đạt 50 - 70%, trong đó chủ yếu là khai thác lượng khách chiều các tỉnh về TPHCM, trong khi chiều ngược lại chưa đạt 50% số chỗ.

Ông Đỗ Hoàng Nguyên, Điều hành Nhà xe Chín Nghĩa tại Bến xe Miền Đông cho hay: "Chi phí xăng dầu ngày càng tăng cao nên không đủ chi phí để nhà xe hoạt động. Nhiều chuyến chúng tôi phải bù lỗ từ 10% - 30% chi phí. Biện pháp mà chúng tôi cân nhắc là sẽ tăng giá vé, nhưng tăng giá vé thì ảnh hưởng tới tâm lý hành khách, họ sẽ đặt câu hỏi đang thời buổi khó khăn mà tại sao lại tăng giá vé. Hành khách đi lại sẽ hạn chế hơn nữa".

Các doanh nghiệp vận tải cho biết, hiện nay, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35% giá thành chi phí cước vận tải. Chính vì vậy, giá nhiên liệu tăng trong thời điểm này khiến các doanh nghiệp hết sức cân nhắc, đắn đo trước khi điều chỉnh giá cước, vì đây là giai đoạn nhạy cảm, nhu cầu đi lại của người dân vẫn chưa phục hồi như giai đoạn trước dịch. Ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây cho hay, trong số 140 doanh nghiệp vận tải hành khách đăng ký hoạt động trước dịch thì nay Bến xe chỉ còn 100 doanh nghiệp hoạt động, 40 đơn vị còn lại vẫn chưa quay lại thị trường, công suất đi lại của khách hiện vẫn chỉ đạt 50% so với trước dịch. "Tới thời điểm này vẫn chưa thấy doanh nghiệp nào trong bến trình phương án tăng giá tại vì Tết các doanh nghiệp đã tăng giá, đến ngày Mùng 2 Tết đã trở về giá binh thường. Qua 2 đợt tăng giá xăng vừa rồi chưa có doanh nghiệp nào làm phương án điều chỉnh mà vẫn bán giá như trước Tết. Sản lượng hành khách qua Bến chỉ đạt 50% so với năm 2019 và rải ra các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ vẫn hoạt động cầm chừng. Số lượng doanh nghiệp vận tải sau dịch vẫn bị ảnh hưởng nhiều", ông Huân cho biết thêm.

Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực logictics cũng gặp những khó khăn tương tự. Ông Lê Đăng Tâm, Giám đốc một doanh nghiệp Logictics tại TPHCM cho biết, chỉ trong vòng 1 tháng mà giá xăng dầu tăng tới 2 lần đã khiến cho doanh nghiệp không kịp trở tay. Nếu đơn vị điều chỉnh theo giá đầu vào thì các đối tác sẽ đặt câu hỏi, nhưng nếu không tăng thì lợi nhuận của bản thân doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Lê Đăng Tâm phân tích: "Bây giờ một chuyến hàng từ TPHCM đi Bến Cát, Nam Tân Uyên (Bình Dương) với cự ly 100km đi và về hiện tại so với đầu năm đã tăng lên khoảng 200 - 300 ngàn/đầu chuyến. Tuy nhiện, lượng hàng hiện nay cũng chưa ổn định nên nếu chúng tôi tăng giá cho khách hàng sẽ gây ra nhiều xáo trộn cho doanh nghiệp".

Có thể thấy, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian qua đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải đứng ngồi không yên. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách, xăng tăng thì giá cước thường sẽ được điều chỉnh tăng, nhưng trong bối cảnh lượng khách vẫn chưa phục hồi như thời điểm trước dịch Covid-19 thì việc tăng giá lúc này thực sự là bài toán khó khiến các doanh nghiệp đắn đo, cân nhắc trước khi thực hiện.