Giá xăng lên hơn 26.000 đồng/lít, cao nhất lịch sử

(VOH) - Từ 15h chiều 21/2, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 961 đồng/lít lên 25.531 đồng/lít, còn xăng RON 95 tăng 965 đồng/lít lên 26.285 đồng/lít.

15h00 chiều ngày 21/2, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.

Giá xăng lên hơn 26.000 đồng/lít, cao nhất lịch sử
Ảnh minh họa: internet

Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 961 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 965 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 25.531 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.285 đồng/lít.

Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần tăng thứ năm liên tiếp và là đợt tăng thứ 4 trong năm 2022. Đáng chú ý, giá xăng RON 95 trong nước hiện đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít).

Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 20.800 đồng/lít; dầu hỏa là 19.500 đồng/lít và dầu mazut là 17.930 đồng/kg.

Giá xăng dầu tăng lúc 15h00 chiều ngày 21/2/2022

Giá xăng lên hơn 26.000 đồng/lít, cao nhất lịch sử 2

Trong kỳ điều hành lần này, Liên Bộ không trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, giữ nguyên mức trích lập đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.

Đồng thời Liên Bộ chi sử dụng quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không chi.

Từ đầu năm đến nay, liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục chi mạnh quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Đây là kỳ điều hành lần thứ tư của liên bộ Công Thương - Tài chính kể từ khi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực. Theo đó, kể từ ngày 2/1, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần.

Hiện, giá xăng liên tục tăng cao trong bối cảnh thị trường nguồn cung trong nước đang có nhiều biến động khi các đại lý, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đều than khó nhập hàng và mức chiết khấu giảm mạnh, nhiều nơi than lỗ 500-800 đồng/lít.

Thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ucraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/2 và kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/2 tăng khoảng 1 - 5%.

Bộ Công Thương cho biết nhằm hạn chế mức tăng giá lớn vào thời điểm tập chung mua sắm dịp Tết Nguyên đán, biến động giá xăng dầu, số dư Quỹ BOG vẫn ở mức thấp, một số doanh  nghiệp lớn vẫn có số dư Quỹ BOG âm (Petrolimex, PVOIL…).

Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính quyêt định trích lập và sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu một cách hợp lý để giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới, bảo đảm duy trì công cụ Quỹ BOG ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 18/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu bảo đảm theo đúng quy định.

Đồng thời, yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu bảo đảm theo đúng quy định, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.