Nhận thức được vấn đề này, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư tạo dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu đã qua chế biến. Đó là mơ ước của những người muốn đem lại niềm tự hào cho nông sản Việt khi ra thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp khởi nghiệp làm xuất khẩu
Từ giữa tháng 5-2021, anh Nguyễn Thanh Hiền ( Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare ) đã gởi thư tới hơn 100 thương vụ Việt Nam tại các nước nhờ chung tay giới thiệu tương ớt Chilica.
Theo nhà sản xuất, tương ớt và ớt bằm Chilica được làm từ 100% ớt tươi, xuất hiện trên thị trường vào năm 2020. Hai sản phẩm này được làm từ nguyên liệu: ớt chỉ thiên, giấm, đường, muối,...sản phẩm dùng giấm để giữ vị mùi ớt tươi lâu hơn nên đây là một sáng tạo cho sản phẩm tương ớt của Chilica.
Nhờ năng nổ tìm cách bán hàng, anh Hiền cũng đã có tin vui, khi cuối tháng 3/2022, 1.500 thùng tương ớt đầu tiên bắt đầu được xuất khẩu sang châu Âu.
“Trước đây, thị trường châu Âu dùng một thương hiệu tương ớt nổi tiếng nhưng nó có chất bảo quản nằm trong danh mục cấm của EU. Vì thế, họ bắt đầu tìm sản phẩm khác để thay thế. Nhờ vậy tương ớt Chillica có cơ hội được chọn. Đầu tiên, tương ớt của chúng tôi nhắm đến đối tượng là Việt Kiều, sau đó là chinh phục khẩu vị người châu Âu” - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare Nguyễn Thanh Hiền chia sẻ.
Đầu tháng 4-2022, thêm một tấn chai tương ớt xuất khẩu sang xứ sở kim chi (Hàn Quốc). Các đối tác là người Hàn Quốc đã tìm hiểu kĩ sản phẩm Chilica qua các kênh truyền thông. Họ còn qua tận công ty Tomcare, thử tương ớt và chỉ qua 2 tuần làm việc, giám đốc người Hàn đã chốt đơn và thanh toán tiền cho bên bán.
Chị Chau Ngọc Dịu (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) lại có cách xuất khẩu thương hiệu đường thốt nốt Palmania đến thị trường châu Âu qua con đường ẩm thực. Theo đó, năm 2020, chị Dịu đem mật thốt nốt tham dự cuộc thi Great Taste Awards tổ chức ở Anh và vinh dự nhận được giải 2 sao. Giải thưởng này được xem như "giải Oscar" trong thế giới ẩm thực.
Với thành tích này, sản phẩm mật thốt nốt bột Palmania trở thành thương hiệu mật thốt nốt bột thứ 3 trên thế giới đạt được chứng nhận 2 sao Great Taste Awards.
Tiếp đó, năm 2021, chị Dịu mang mật thốt nốt sệt tham gia Great Taste Awards và đạt được giải 1 sao. Nhờ giải thưởng này, chị nhận được 2 đơn hàng xuất khẩu mật thốt nốt sang Hà Lan và Phần Lan.
“Do mình là DN khởi nghiệp, không có nguồn tài chính dồi dào, năng lực sản xuất cũng chưa mạnh nên mình tham gia những cuộc thi này để xem như là một bước đệm mang thương hiệu đường thốt nốt của Việt Nam ra thế giới” - chị Dịu cho biết.
Muốn xuất khẩu phải làm theo chuẩn
Trước tương ớt Chilica, đường thốt nốt Palmania đã có nhiều công ty Việt Nam xuất khẩu thành công sang các thị trường “khó tánh”. Kinh nghiệm của DN đi trước cho biết, đầu tiên là phải làm theo chuẩn của các nước nhập khẩu, bắt đầu từ khâu tạo vùng nguyên liệu sạch.
Trong thế giới gia vị, thương hiệu tiêu Vipep nổi tiếng nhiều năm nay ở lĩnh vực xuất khẩu. Đây là DN khởi nghiệp đầu tiên xuất khẩu sản phẩm từ tiêu đạt chuẩn hữu cơ. Chị Lê Thị Hoài Thương - phó giám đốc công ty Hồ Tiêu Việt (Vipep) kể, câu chuyện bắt đầu từ năm 2015 khi công ty tham gia một hội chợ quốc tế nông sản.
Lúc đó, chị vô cùng ngạc nhiên, khi thấy hồ tiêu và cà phê của Việt Nam xuất khẩu đứng số 1, số 2 trên thế giới nhưng lại không có thương hiệu tên tuổi nào, đặc biệt là không có hàng nông nghiệp hữu cơ.
“Từ thực tiễn đó, khi trở về nước, chúng tôi lên kế hoạch lập vùng trồng tiêu hữu cơ và thuê tổ chức nước ngoài đánh giá, cấp giấy chứng nhận hữu cơ cho tiêu Việt Nam. Năm 2017, công ty bắt đầu xuất khẩu lô hàng tiêu thành phẩm đạt tiêu chuẩn hưu cơ, có chứng nhận quốc tế đầu tiên qua châu Âu", chị Thương kể.
Chọn cách làm “chậm mà chắc”, Vipep không sản xuất ồ ạt tiêu, ưu tiên là đảm bảo đầu ra cho nông dân trồng tiêu an tâm, chỉ tăng sản lượng lên khi thị trường ổn định và nông dân quen với sản xuất hữu cơ.
Hiện nay, nhà máy chế biến tiêu Vipep đạt chuẩn của BCR (Hiệp hội Bán lẻ Anh), sản lượng xuất khẩu tiêu đã qua chế biến đạt 100 tấn/năm. Ngoài ra, công ty còn liên kết với các HTX trồng tiêu hữu cơ khác và nâng sản lượng sản xuất lên 500 tấn tiêu thành phẩm/năm.
Muốn hàng nông sản xuất khẩu thành công thì DN phải sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nghe qua tưởng khó khăn nhưng với những DN xác định mục tiêu tăng giá trị nông sản bán ra, việc tuân thủ sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế là không khó.
Năm 2015, công ty cổ phần thực phẩm GC (GC Food) xây dựng nhà máy sản xuất nha đam tại Ninh Thuận. Với diện tích hơn 2 ha, tọa lạc tại Khu công nghiệp Thành Hải (Ninh Thuận), GC Food đã đầu tư dây chuyền và công nghệ sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế như FSSC ( Food Safety System Certification).
Năm 2018, công ty thành lập nông trại Sun & Wind có diện tích 50 ha, tại thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận). Các sản phẩm nông nghiệp chính của Sun & Wind bao gồm: nha đam, dưa lưới, nho, táo, ổi và một số sản phẩm khác.
Đây là những bước đi được các cổ đông công ty tính toán bài bản để tiến tới xuất khẩu mặt hàng nông sản qua chế biến ra quốc tế. Hiện các sản phẩm nông sản của GC Food đều đạt chuẩn Global GAP. Thị trường xuất khẩu qua 20 nước, chủ yếu là các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng sản lượng xuất khẩu sang các nước châu Á quý I/2022 vẫn tăng nhẹ 20-30%, trung bình xuất khẩu đạt 50 -70 container/tháng.
“Sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn quốc tế khó nhất là sự đồng bộ từ ban đầu. Trong suốt quá trình thực hiện, chúng tôi phải đảm bảo quản lý nguồn nguyên liệu, phân bón, thuốc trừ sâu, hoạt động ghi chép nhật ký ở nông trại cần chi tiết, tỉ mỉ. Nhưng bù lại, những chi phí để có giấy chứng nhận quốc tế so với tổng doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng không lớn, mà tạo ra uy tín cho hàng hóa của mình”, ông Nguyễn Văn Thứ - Tổng giám đốc GC Food Nguyễn Văn Thứ cho biết.
Việc kiểm soát chất lượng nông sản không chỉ giúp xuất khẩu chính ngạch mà còn để mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ở những thị trường mang lại giá trị cao, khó tính…, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân và hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp an toàn, hiện đại, bền vững.
Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên gia về thị trường xuất khẩu, ông Hoàng Vĩ Hữu - Phó Trưởng phòng Thông tin - Trung tâm xúc tiến thương mại TP.HCM (ITPC) cho rằng, không phải nông sản nào cũng làm xuất khẩu được, một số DN xuất khẩu nông sản chủ yếu cho Việt kiều chỉ mới chinh phục ở thị trường ngách.
DN muốn chinh phục người tiêu dùng bản xứ thì nên có nghiên cứu và đánh giá thị trường.
“Một công ty nước ngoài trước khi đem hàng qua Việt Nam kinh doanh, họ đều có nghiên cứu thị trường kĩ đến mức nắm được thị hiếu của người tiêu dùng Việt. Trong khi đó, công ty chúng ta chỉ mới dừng ở sản xuất tốt hàng hóa mà quên mất người tiêu dùng có nhu cầu với sản phẩm đó không ”- ông Hữu nói.
Ngày càng nhiều những doanh nhân tuy không làm nông nhưng nhờ rẽ sang làm nông nghiệp, họ bắt đầu say mê và tận tâm. Cũng nhờ gắn bó với nhà nông, họ cảm nhận rõ hơn sự thay đổi, tiến bộ của nông nghiệp nước nhà. Từ đó, các DN nuôi mơ ước xuất khẩu nông sản không chỉ để làm giàu mà còn là niềm tự hào cho DN Việt Nam khi giới thiệu sản phẩm đến bạn bè quốc tế.