Tại hội thảo “Toàn cảnh kinh tế 2020 và dự báo 2021 – Tư duy chiến lược dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ SMEs” do Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI tổ chức tại TPHCM vào chiều 31/10, các chuyên gia bàn luận, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để vượt thách thức.
Phát triển kinh tế số và ứng dụng công nghệ cao
PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, nhìn nhận, đại dịch SARS năm 2002 - 2003 đã khiến thế giới mất 30 tỷ đô la Mỹ; đại dịch MERS-COV năm 2012, thế giới mất 90 tỷ đô la Mỹ; đại dịch EBOLA năm 2014 -2016, thế giới mất 75 tỷ đô la Mỹ... Nhưng đến đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay, kinh tế thế giới đã mất hàng ngàn tỷ đô la Mỹ.
Theo đó, PGS.TS Trần Đình Thiên đã đưa ra các giải pháp trước mắt trong hoàn cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp phải đặc biệt nỗ lực đạt được "trạng thái bình thường mới". Thứ nhất, nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường. Đồng thời, hệ thống phân bổ nguồn lực cần "công khai, minh bạch" để các doanh nghiệp Việt có thể phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tiếp đến, cần áp dụng hệ thống khuyến khích "thưởng người thắng" thay vì "chọn người thắng". Từ đó sẽ kích thích tinh thần cạnh tranh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tiếp theo, cần xác lập cách tư duy, tiếp cận mới về "mời gọi đại bàng" và "làm tổ cho đại bàng đến đẻ trứng". PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, phải đặt việc xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt thành chương trình - chiến lược hành động quốc gia ưu tiên hàng đầu. Đáng chú ý, việc gây dựng đội ngũ "đại bàng quốc tịch Việt" phải là nhiệm vụ mang tính trụ cột. Cuối cùng, ông Thiên cho rằng cần phải thiết kế lại "khởi nghiệp quốc gia" hợp thời đại bằng việc xây dựng hệ thống thể chế phù hợp cho nền kinh tế số - công nghệ cao.
“Những doanh nghiệp xưa nay vẫn cứ thế, bây giờ tập trung cứu họ, tôi lại bảo là có lẽ vì Tổ quốc mà đứng dậy với một tư thế khác, thì số tiền để cứu được doanh nghiệp phải có chiến lược làm sao dành một phần lớn để tiền làm quỹ để hỗ trợ, thúc đẩy cho một chương trình hỗ trợ cho những doanh nghiệp mới. Làm sao thay máu được nền kinh tế, để khi nền kinh tế phục hồi, thế giới phục hồi thì nền kinh tế Việt Nam cũng phải đứng dậy được. Chỉ có những doanh nghiệp đi vào cái mới, kinh tế số toàn cầu, công nghệ cao thì mới vươn lên được”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, các doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Việc nắm bắt và tận dụng tốt những cơ hội do thời cuộc mang lại sẽ giúp các doanh nghiệp Việt bứt phá, vượt qua khủng hoảng. “Nếu chúng ta có sự hiểu biết nhiều hơn vào một môi trường lớn hơn, có tầm nhìn tốt hơn thì có thể định vị doanh nghiệp của mình tốt hơn trong bối cảnh sóng gió, thay đổi. Điều này phụ thuộc vào những kiến thức, tri thức và mối quan tâm riêng biệt của mỗi doanh nhân”, ông Thanh tin tưởng.
Tháo gỡ khó khăn bất động sản
Bất động sản là một trong những ngành chịu ảnh hưởng rõ nét nhất từ Covid-19. Trong đó, lĩnh vực cho thuê mặt bằng thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ. Các trung tâm thương mại, khách sạn vắng khách, phân khúc căn hộ gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu mua, thuê đều giảm mạnh. Điều này dẫn đến hơn 94% doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng hoạt động. Hai hoạt động: môi giới gần như ngừng hoạt động do mọi người không tham gia giao dịch, kể cả kinh doanh và dân sự; Hai là du lịch đình trệ nên việc khai thác các bất động sản du lịch, dịch vụ bị ngừng theo.
Ở lĩnh vực này, Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường, đưa ra nhận định: “Chúng ta đầu tư có trách nhiệm hay không có trách nhiệm? Chúng ta vét cạn tài nguyên để ăn ngay bây giờ hay chúng ta tìm kiếm lợi ích từ giá trị đầu tư, thì đó là nguyên lý trong đấu tư bất động sản. Các nước ở châu Âu và Mỹ người ta giữ giá đất ngang bằng, không có tình trạng giá vọt cao, nhưng người ta tìm kiếm lợi ích từ quá trình đầu tư trên đất, chứ người ta không tìm kiếm lợi ích bằng cách chờ giá đất tăng. Ở Việt Nam thì ngược lại, người ta tìm kiếm lợi ích chờ giá đất tăng chứ không tính tới chuyện tôi đầu tư vào đây tôi được lãi bao nhiêu, thì đó là tư duy không đúng của cách điều hành về thị trường bất động sản”.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trưởng bất động sản hiện nay chính là du lịch. Đây là điểm sáng bởi các bất động sản du lịch kiểu mới có sức sống mạnh mẽ để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, phù hợp với sự đa dạng hóa các hình thức du lịch như du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, huy động được toàn dân tham gia làm du lịch.