Doanh nghiệp xăng dầu tại TPHCM gửi đơn kiến nghị các vấn đề trong kinh doanh

(VOH) – 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TPHCM vừa có đơn kiến nghị về các bất cập lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo bản kiến nghị, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng việc điều hành thời gian qua "có vấn đề", gây bất lợi đến doanh nghiệp, dẫn đến bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.

Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố. Tuy nhiên, có tình trạng chiết khấu âm, tức các doanh nghiệp phân phối tìm cách để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với mức cao hơn bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hoá đơn khác.

Doanh nghiệp xăng dầu tại TPHCM gửi đơn kiến nghị các vấn đề trong kinh doanh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: VN+

Các doanh nghiệp cho rằng việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu là cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực xăng dầu, tuy nhiên cần xem xét lại việc kìm hãm giá hiện tại, đang gây bất ổn cho thị trường xăng dầu, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ phải chịu tình trạng giá mua vào cao hơn giá bán ra.

Các doanh nghiệp bán lẻ một thời gian phải chịu cảnh càng bán ra càng lỗ, một số bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục.

Do đó, nhóm doanh nghiệp kiến nghị cho rằng cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ, tránh tình trạng "thả nổi" chiết khấu. Việc không quy định rõ ràng doanh nghiệp bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu là không thể chấp nhận và là nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn.

Theo ý kiến các doanh nghiệp, chính phủ, đặc biệt là Liên bộ điều hành xăng dầu cần lắng nghe phản ánh từ các doanh nghiệp xăng dầu đồng thời có sự liên kết và có chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Cơ quan quản lý cần đưa ra các giải pháp khắc phục hoàn toàn tình hình thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay do chưa phù hợp.

Khi xăng dầu chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới thì quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ theo tỉ lệ trên mỗi lít xăng dầu.

Cuối cùng, nhóm doanh nghiệp đề xuất việc trích quỹ bình ổn cũng cần xem xét loại bỏ, vì hoạt động không khách quan. Nên đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn.