Chờ...

Doanh nhân trẻ ASEAN cần gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng

(VOH) - Ngày 30/11, tại Hà Nội, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nhân trẻ ASEAN. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nồng nhiệt chào mừng các bạn doanh nhân trẻ ASEAN và đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nhân trẻ ASEAN 2020.

Vì lý do dịch bệnh COVID-19, nhiều đại biểu không tham dự trực tiếp được ngày hôm nay, nhưng nhờ những thành tựu vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư giúp chúng ta thay đổi cách thức giao tiếp, tương tác, kết nối và trao đổi, chúng ta thấy gần nhau hơn dù cách xa ngàn dặm. Hội nghị này là một minh chứng cho sự chủ động thích ứng đã và đang được phát huy tích cực, giúp chúng ta dần thay đổi để thích nghi với trạng thái “bình thường mới” của thế giới và khu vực, khẳng định rằng thế giới và trí tuệ của nhân loại rất rộng lớn và siêu việt. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, năm 2020 thực sự là một năm nhiều thử thách và khó khăn bởi sự bùng phát của đại dịch COVID-19, thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu cũng như xu thế bảo hộ đang phát triển. Thành quả về kinh tế-xã hội của cả Cộng đồng các nước nỗ lực đạt được trong hơn 50 năm qua có nguy cơ bị xóa nhòa. Trong bối cảnh khó khăn đó, ASEAN phải gồng mình thực hiện cùng lúc “vai trò kép” vừa bảo đảm đà xây dựng Cộng đồng vừa ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và hướng tới phục hồi bền vững. Các kết quả đã đạt được trong năm ASEAN 2020 đến nay cho thấy ASEAN đã hoàn thành xuất sắc vai trò kép này.

Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ: Hội nghị Cấp cao liên quan vừa được diễn ra. Tại đây, lãnh đạo các nước ASEAN đã thống nhất triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ để đẩy mạnh hợp tác, chủ động ứng phó chung với COVID-19. Các lãnh đạo ASEAN đã thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai cụ thể cho cả 3 trụ cột, trong đó, doanh nghiệp được đặt vào trung tâm để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. Các kế hoạch duy trì ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng, đẩy mạnh kết nối và khôi phục giao thương trong khu vực đang được khẩn trương thúc đẩy. Để bảo đảm cho việc đi lại thuận tiện cho doanh nhân, nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh, các lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí xem xét việc thiết lập hành lang ASEAN.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, cần giữ vững ngọn cờ đầu trong thúc đẩy tự do hóa và liên kết kinh tế khu vực, với vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã hoàn tất đàm phán và ký dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN-37. Hiệp định tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, với GDP hơn 26.000 tỷ USD, tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây.

Những kết quả nêu trên cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ các nước ASEAN trong cuộc chiến chống dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi toàn diện. Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nhân trẻ ASEAN nói riêng đã nỗ lực không ngừng để thay đổi linh hoạt, thích ứng với sự biến động của khu vực và thế giới cũng như các tác động tiêu cực của dịch bệnh. Diễn đàn hôm nay đã được bám sát với chủ đề của năm ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng”.

Với những công nghệ nền tảng như chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), robot, kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, công nghệ Nano, tự động hóa, công nghệ in 3D... mang lại nhiều cơ hội và thách thức làm thay đổi một cách sâu sắc mọi mặt hoạt động lao động sản xuất, các mối liên hệ và đời sống xã hội. Kinh tế số không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế, mà còn làm các nền kinh tế thay đổi trên 2 bình diện đó là: Phương thức sản xuất (nguồn lực, hạ tầng, cách thức vận hành sản xuất kinh doanh); cấu trúc kinh tế.

“Đại dịch COVID-19 càng cho thấy số hóa hay công cuộc chuyển đổi số là xu thế của thời đại không thể đảo ngược, xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, bởi “cốt lõi” của cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối/siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Công nghệ số được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng... Kinh tế số còn tạo thêm nguồn tài nguyên mới (tài nguyên số, của cải số) cho phát triển, thay đổi cách giao tiếp của con người, tạo cơ hội cho các nước và nước nào tận dụng tốt cơ hội sẽ vượt lên”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ các nước ASEAN đang thúc đẩy phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, trong đó doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp, doanh nhân trẻ chính là lực lượng chủ chốt. Diễn đàn lần này tiếp tục là cơ hội để doanh nhân trẻ các nước ASEAN nâng cao tinh thần đoàn kết, phát huy tính sáng tạo cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các sáng kiến, tăng cường sự liên minh, hợp tác trong kinh doanh, đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại vì một Cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển và thịnh vượng.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chia sẻ với các doanh nhân trẻ ASEAN một số vấn đề lớn.

Một là, tư tưởng cộng đồng cần được thấm nhuần trong từng doanh nhân trẻ ASEAN. Do vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ được vai trò chủ nhân của mình trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và xác định nhiệm vụ của cá nhân cũng như của doanh nghiệp trong tiến trình này. Từ “suy nghĩ Cộng đồng và hành động Cộng đồng”, các doanh nhân trẻ ASEAN cần gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng.

Hai là, tầm nhìn của các doanh nhân trẻ ASEAN cần vượt ra khỏi biên giới của quốc gia mình, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, hạnh phúc và phồn vinh. Thay vì hài lòng với những kết quả sản xuất kinh doanh trong nước, các bạn hãy không ngừng hợp tác, tìm kiếm các cơ hội để vươn ra biển lớn, đưa sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình đến với các khách hàng ở khu vực cũng như quốc tế.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các doanh nhân trẻ ASEAN cần phát huy lợi thế năng động, sáng tạo của mình tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ nhân sự quản lý, lao động có tay nghề cao; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thanh niên, nhất là thanh niên ở những vùng có điều kiện kém thuận lợi khởi nghiệp ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số...

Ba là, hoạt động của các doanh nhân trẻ ASEAN cần có nhiều điểm chung hơn nữa, cần có các giải pháp để tăng cường gắn kết, tạo dấu ấn hơn nữa cho Hội Doanh nhân trẻ ASEAN trong khu vực và đánh giá cao các sáng kiến thúc đẩy số hóa trong các hoạt động của Hội đồng Doanh nhân trẻ ASEAN; xây dựng một hệ sinh thái mở, chuỗi cung ứng phù hợp để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định: Chính phủ các nước ASEAN luôn mong muốn được lắng nghe ý kiến từ các doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị, hiến kế để cùng nhau xây dựng và phát triển, mang lại thịnh vượng chung cho cả Cộng đồng. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành, kiến tạo môi trường thuận lợi, ủng hộ hoạt động của các bạn nhằm tăng cường sự liên kết, kết nối trong doanh nhân trẻ ASEAN.