Theo kết luận, năm 2018 cùng với cả nước, tỉnh Đồng Tháp đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu, trong đó tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,91%, nông nghiệp tăng 6,07% (cao gấp 2 lần so với bình quân chung của cả nước); thu ngân sách tăng 4,34%; doanh thu du lịch tăng trên 16% so với cùng kỳ; Tỉnh đã xây dựng vùng sản xuất lúa gần 600 nghìn ha, sản lượng 3,3 triệu tấn (thứ 3 cả nước), sản lượng cá basa trên 400 nghìn tấn (đứng đầu cả nước về xuất khẩu cá basa); xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực; tư duy kinh tế, cách làm năng động, đã áp dụng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã lập 68 hội quán nông dân gắn với từng ngành hàng đặc trưng của địa phương. Trong 3 tháng đầu năm 2019 kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực góp phần cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ năm 2019.
Hình minh họa.
Kết quả kinh tế - xã hội mà Đồng Tháp đạt được trong thời gian qua là tích cực, tuy nhiên, Tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, quy mô kinh tế nhỏ, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối giao thông còn hạn chế; dịch bệnh trong chăn nuôi diễn biến phức tạp; sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Tháp phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoàn thiện quan hệ sản xuất; chủ động phương án và biện pháp tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình cụ thể phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là nông nghiệp, xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng và giữa các địa phương trong Tỉnh. Phối hợp với các địa phương liên quan hoàn chỉnh Đề án Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Quan tâm hơn nữa đến phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp đặc biệt là đội ngũ quản lý nhà nước để phát triển nông nghiệp.
Tỉnh Đồng Tháp cần quan tâm hỗ trợ, khuyến khích phong trào khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; sớm hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và thị trường; thực hiện liên kết vùng, hành lang kinh tế.
Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; rà soát, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo của người đứng đầu các ngành, các cấp, nhằm thực hiện tốt vai trò chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp.