Dự báo kinh tế thế giới năm 2025: Tăng trưởng vừa phải, nhiều thách thức phía trước

VOH - Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức), GDP toàn cầu năm 2025 dự kiến tăng 3,1%. IMF dự báo mức tăng 3,2%,

Các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2025, giữa bối cảnh nhiều yếu tố chính trị và kinh tế gây biến động.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức), GDP toàn cầu năm 2025 dự kiến tăng 3,1%. IMF dự báo mức tăng 3,2%, trong khi WB kỳ vọng con số 3,3%. Các tổ chức đều nhận định tăng trưởng vẫn thấp hơn mức trung bình 3,5% trước đại dịch COVID-19.

Một số tổ chức tài chính, như Goldman Sachs, dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức “vừa phải” do thương mại toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ chính sách bảo hộ. Các biện pháp hạn chế thương mại, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, sẽ tiếp tục kìm hãm tốc độ phục hồi của chuỗi cung ứng và giao thương quốc tế.

wb_voh
Dự báo tăng trưởng của WB trong giai đoạn 2024-2026 đối với nền kinh tế toàn cầu, Mỹ, khu vực sử dụng đồng euro, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Brazil và Ấn Độ. - Ảnh: Bloomberg

Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" được cho sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới. Các chính sách thương mại của ông, như duy trì thuế quan cao đối với Trung Quốc và thúc đẩy các đạo luật bảo vệ sản xuất trong nước như Đạo luật CHIPS, có thể củng cố xu hướng bảo hộ ở nhiều quốc gia khác.

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng cường tự chủ kinh tế thông qua Thỏa thuận Xanh châu Âu, với các biện pháp hỗ trợ thị trường nội khối. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ leo thang, làm gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu. Giá cả hàng hóa tăng và chi phí vận chuyển cao hơn được dự báo sẽ đè nặng lên người tiêu dùng.

Ngoài các yếu tố chính trị, kinh tế toàn cầu năm 2025 cũng đối mặt với tác động từ các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông. Những diễn biến này không chỉ làm gia tăng chi phí năng lượng mà còn tác động tiêu cực đến nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp.

Đồng thời, các rủi ro từ biến đổi khí hậu đang trở thành bài toán lớn với nhiều quốc gia. Thiệt hại do thiên tai không chỉ làm giảm năng suất lao động mà còn buộc các nước phải tăng chi tiêu để khắc phục hậu quả, ảnh hưởng đến ngân sách và triển vọng tăng trưởng.

Dù còn nhiều bất ổn, các chuyên gia vẫn giữ cái nhìn lạc quan trong dài hạn. Theo Viện Nghiên cứu Ifo (Đức), nền kinh tế toàn cầu có khả năng duy trì mức tăng trưởng ổn định trong các năm 2025 và 2026, nhờ điều kiện tài chính thuận lợi hơn. Các dự báo cũng kỳ vọng rằng Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng, trong khi châu Âu vẫn gặp khó khăn với tốc độ tăng trưởng thấp.

Đối với Trung Quốc, dù đã tung ra nhiều gói kích thích kinh tế, nhưng khả năng phục hồi bền vững của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, việc lãi suất tại Mỹ giảm chậm có thể giúp dòng vốn toàn cầu ổn định hơn, phần nào hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi.

Các nhà phân tích cho rằng, trong nửa đầu năm 2025, thương mại toàn cầu sẽ được thúc đẩy bởi các xu hướng chuyển hướng chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng thương mại sẽ dần chững lại do các biện pháp bảo hộ và chi phí thương mại gia tăng.

IMF trong báo cáo mới nhất đã cảnh báo rằng, các quốc gia cần chuẩn bị cho một giai đoạn kinh tế đầy bất ổn, với nhiều yếu tố tiềm tàng có thể làm thay đổi cục diện thị trường. Bất chấp những khó khăn, các chuyên gia vẫn tin rằng nền kinh tế thế giới năm 2025 sẽ tiếp tục phát triển, dù chỉ ở mức vừa phải.

Bình luận