Người đứng đầu Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) Klaus Regling ngày 5/5 cho biết, Liên minh châu Âu (EU) nên tìm kiếm vai trò quốc tế mạnh mẽ hơn nữa đối với đồng tiền chung châu Âu Euro để tránh bị đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc loại khỏi vị trí là đồng tiền dự trữ lớn thứ hai thế giới.
Tháng 5/2010, EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thành lập "Cơ chế Bình ổn châu Âu" (ESM), chịu trách nhiệm quản lý Quỹ ổn định tài chính châu Âu (ESFS) trị giá 500 tỷ Euro và cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nộp đơn xin hỗ trợ và đã được chấp thuận.
Tại một cuộc hội thảo do Ngân hàng Trung ương Bỉ tổ chức vào ngày 5/5, ông Regling nói rằng EU nên nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn tất việc thành lập Liên minh Ngân hàng và Liên minh các thị trường vốn nhằm cải thiện vị thế của đồng Euro trên thế giới.
"Với cơ cấu dân số của chúng ta, cùng với việc các thị trường mới nổi như Trung Quốc đang tiếp tục đeo bám để đạt mức thu nhập như các nước châu Âu và Mỹ, hàm trọng số kinh tế của châu Âu sẽ tiếp tục bị giảm", ông Regling nói.
"Điều này có nghĩa là hàm trọng số tương đối của chúng ta sẽ bị giảm, vì vậy chúng ta nên nỗ lực hết mình để đồng tiền của chúng ta được công nhận nhiều hơn trên thế giới", ông nói thêm.
Người đứng đầu ESM cho biết đồng Euro hiện là đồng tiền dự trữ lớn thứ hai trên thế giới, "nhưng nếu bạn không để ý, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ trở thành đồng tiền lớn thứ hai".
Ông Regling nói, mục tiêu chính trị của chính phủ Trung Quốc là giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.
Ông cho rằng thực sự tồn tại khả năng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có thể trở thành đồng tiền lớn thứ hai trên thế giới.
"Tôi tin rằng, mục tiêu của chúng ta là nên chuyển sang một hệ thống tiền tệ đa cực - tỷ lệ đồng đô la Mỹ, đồng Euro và đồng Nhân dân tệ tương đương nhau", ông Regling nói.
"Tôi nghĩ điều đó tốt cho chúng ta và cũng tốt cho hệ thống tiền tệ quốc tế", ông nói thêm.