EVFTA là cơ hội để các nhà sản xuất Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cùng các công ty của Châu Âu

(VOH) - EVFTA là cơ hội để các nhà sản xuất Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cùng các công ty của châu Âu.

Đó là nhận định của Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tại Hội thảo Bàn tròn với chủ đề "EVFTA - Cải thiện Môi trường Kinh doanh”. Hội thảo do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức ngày 18/12 tại TPHCM. 

Đại sứ Giorgio Aliberti cũng cho rằng, Hiệp định đã mở ra "con đường cao tốc" để các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Cơ hội là sẵn có.

Tuy nhiên, tạo nên môi trường kinh doanh ổn định hơn, dễ đoán định hơn và mang lại những thuận lợi cho các doanh nghiệp là mục tiêu đặc biệt quan trọng. Chúng ta cần nhìn nhận diện mạo mới này rõ ràng và cụ thể hơn, để tận dụng được EVFTA và tạo ra cú huých cho phát triển kinh tế.

EVFTA

Các chuyên gia và Doanh nghiệp tại hội thảo"EVFTA - Cải thiện Môi trường Kinh doanh”.

Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đã có tác động đáng kể đến thương mại song phương EU-Việt Nam kể từ khi có hiệu lực vào ngày 01/8/2020, thể hiện qua sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu Việt Nam sang EU trong những tháng gần đây.

Bên cạnh đó, ở chiều ngược lại, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu từ EU vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2020 đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy EVFTA đã và đang mở ra những cơ hội quan trọng cho tiến trình phát triển bền vững của quan hệ thương mại song phương.

Thực tế, EVFTA cần tiếp tục mang lại những cơ hội to lớn cho sự phát triển bền vững của quan hệ thương mại song phương. Đây chỉ mới là những tín hiệu phát triển ban đầu về lượng. EVFTA còn được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi về chất cho nền kinh tế Việt Nam như cải thiện thể chế và toàn diện môi trường kinh doanh đồng thời cân đối cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Những thay đổi này bước đầu được minh chứng thông qua sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như dòng vốn FDI lớn từ EU đổ vào Việt Nam.

EVFTA
Các chuyên gia doanh nghiệp tại hội thảo

Trong bối cảnh đó, Hội thảo bàn tròn với chủ đề "EVFTA - Cải thiện Môi trường Kinh doanh” được tổ chức với mong muốn tạo cơ hội để các bên cùng thảo luận, trao đổi về thuận lợi, thách thức cũng như những nỗ lực từ cả phía Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, EU trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, từ đó bắt kịp với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp, tận dụng đầy đủ và nhanh chóng những lợi ích mà EVFTA mang lại trong tương lai.  

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện VCCI cho biết, thông qua Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI), EuroCham đã và đang nắm bắt được nhịp điệu của các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2010. Kể từ năm 2014, BCI đã ghi nhận đánh giá tích cực và nhất quán trên 70%, đặc biệt năm 2018 và 2019 ở mức cao hơn 80%.

Tuy nhiên, tương tự xu hướng chung trên toàn thế giới, khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh toàn cầu, BCI của EuroCham cũng sụt giảm xuống mức thấp nhất từng ghi nhận (26%) vào Quý 1 năm 2020. Nguyên nhân trực tiếp cho sự đảo chiều đánh giá tích cực này là đại dịch COVID-19, không phản ánh sự phát triển của Việt Nam hay chính sách của Chính phủ.

Theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) do nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/10, Việt Nam xếp thứ 70 trong tổng số 190 nền kinh tế trên toàn thế giới. Thứ hạng này sụt giảm một bậc so với xếp hạng năm ngoái nhưng điểm số lại được cải thiện, từ 68,6 lên 69,8/100 điểm.

Từ kết quả Điều tra PCI 2019 cho thấy bức tranh khá sáng sủa về môi trường kinh doanh tại Việt Nam:Chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương duy trì xu hướng tích cực. Song còn nhiều dư địa để cải thiện minh bạch, đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, thực chất để cắt giảm thủ tục hành chính hậu đăng ký và cải thiện điều kiện kinh doanh hơn nữa.

Trên thực tế, doanh nghiệp còn gặp phải nhiều khó khăn: Khu vực tư nhân tại Việt Nam vẫn gặp khó khăn về tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, tuyển dụng lao động. Còn nhiều vướng mắc khi thực hiện dự án liên quan đến đất đai, đầu tư, và xây dựng.

Để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển hơn nữa, cần có các chính sách kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ các vấn đề đã xác định và thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cũng theo các chuyên gia, phải nỗ lực, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu… Không có nền tảng là năng lực cạnh tranh bền vững thì không thể hội nhập thành công.

Thị trường trong nước với gần 100 triệu dân trong một nền kinh tế đang cất cánh, sẽ là bệ đỡ, là điểm tựa cho các doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới. Nỗ lực vươn lên đương đầu với cạnh tranh sòng phẳng phải là tâm thế của doanh nghiệp  thời hội nhập, mà không phải là tiếp tục trông chờ vào bảo hộ.

Bên cạnh đó là thay đổi nhận thức, không buôn bán theo kiểu bán lẻ, bán sỉ mà phải thích ứng theo tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi và coi nhu cầu của thị trường là phần không thể thiếu của hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Bình luận