Hội nghị Tổng kết chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2016-2020 và Kết nối cung – cầu hàng hoá giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2020 chính thức khai mạc tại Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ - Quận 11.
Trên cơ sở xác định tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của mỗi địa phương, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Công Thương các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp liên kết đầu tư phát triển sản xuất, phát triển hạ tầng thương mại, tiêu thụ hàng hóa. Tính đến nay, có 28 doanh nghiệp Bình ổn thị trường Thành phố đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm nông sản đạt 3.200 tỷ đồng/năm; đầu tư hơn 336 siêu thị tổng hợp/chuyên doanh, gần 2.500 cửa hàng tiện lợi tại các tỉnh, thành trên cả nước. tạo sự chủ động trong công tác tạo nguồn, cung ứng hàng hoá cho thị trường.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương Thành phố, sự hội tụ của gần 1.000 doanh nghiệp mang theo các sản phẩm, đề án và những dự kiến hợp đồng là một minh chứng cho sự thành công của hội nghị kết nối cung cầu: “Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hoá giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, theo thống kê có 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các bên với giá trị thực hiện bình quân 4.500 tỷ đồng/năm. Những kết quả đạt được là động lực cho sự hợp tác và đòn bẫy mở ra một giai đoạn mới. Trong bối cảnh của tự do hoá thương mại sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế chia sẻ, liên kết để phát triển là mục tiêu hết sức quan trọng để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp”.
Nhằm thúc đẩy tạo lập mối liên kết trong hoạt động đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, TPHCM và các tỉnh, thành tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích, vận động các doanh nghiệp tham gia trưng bày hàng hóa tại các Hội chợ triển lãm, đưa hàng vào các Chợ đầu mối, Chợ truyền thống, hệ thống phân phối...
Giai đoạn 2016 – 2020, các doanh nghiệp Thành phố đã tham gia hơn 320 hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành Đông – Tây Nam bộ; riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành tham gia gần 2.770 hội chợ triển lãm được tổ chức tại Thành phố.
Bà Châu Thị Lệ - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho hay: “Long An luôn ủng hộ và đánh giá rất cao các giải pháp Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra. Thời gian qua Long An cũng đã phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia vào đề án xây dựng chuỗi liên kết nông sản thực phẩm an toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai. Long An hướng tới là sẽ định hướng đưa ra những sản phẩm nông sản mới đạt tiêu chuẩn chất lượng cao hơn để đáp ứng thị trường Thành phố, cũng như thị trường của cả nước. Tỉnh cũng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án phát triển nông nghiệp nông nghiệp ứng dụng cao, đây là một trong những động thái mà Long An sẽ đồng hành cùng Thành phố Hồ Chí Minh cũng như là các tỉnh thành khác”.
Còn ông Nguyễn Hữu Lập – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết: “10 năm qua Bến Tre cùng Thành phố Hồ Chí Minh đồng hành để tạo điều kiện giới thiệu các sản phẩm, hàng hoá của Bến Tre kết nối cung cầu, giới thiệu các mặt hàng của Bến Tre đến các nhà phân phối, đến các siêu thị, đến các trung tâm thương mại của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong cả nước, kể cả là xuất khẩu hàng hoá Bến Tre ra nước ngoài. Riêng tôi cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh luôn tạo điều kiện cho các tỉnh trong đó có Bến Tre trong hoạt động thời gian qua rất là thành công”.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nhấn mạnh, hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá trở thành sự kiện quan trọng, giải pháp thiết thực góp phần triển khai hiệu quả Chương trình Hợp tác Thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh/thành, khẳng định thương hiệu, tạo được sức lan toả lớn đến các địa phương, nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các địa phương trong cả nước:
“Với những thành quả đạt được trong 5 năm qua, một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn, chỉ đạo kịp thời, xuyên suốt của Lãnh đạo Bộ ngành Trung ương, Thành uỷ, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành; sự phối hợp đồng bộ của các sở ngành có liên qua của từng địa phương và sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp. Hội nghị năm nay tiếp tục đề ra phương hướng và hợp tác triển khai thực hiện giai đoạn 2020-2025 và tiếp tục tập trung hỗ trợ các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu. Tôi tin rằng chương trình kết nối cung – cầu hàng hoá giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành năm sau sẽ tiếp tục trở thành hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường bán lẻ trong nước và hướng đến xuất khẩu; tiếp tục là giải pháp ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội”.
Hội nghị kết nối cung cầu năm 2020 với sự tham dự của 41 tỉnh, thành cùng gần 600 nhà cung ứng, phân phối, xuất khẩu… và gần 2000 mặt hàng trưng bày tại 500 gian hàng tham dự từ ngày 24 đến 27/9/2020. Bên cạnh hàng nông sản an toàn từ các tỉnh, thành lân cận, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm chế biến, sản phẩm chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh, còn có nhiều đặc sản của vùng miền trên cả nước.
Xem thêm: