Gần 20,5% hàng hóa tại Việt Nam là hàng giả

(VOH) - Tỷ lệ hàng giả tại Việt Nam chiếm đến 20,5%. Hàng hóa bị làm giả có giá vài trăm triệu đồng nhưng cũng có thứ chỉ có giá vài ngàn đồng.

Sáng 21/11, tại TPHCM, Cục Sở hữu trí tuệ, Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TPHCM phối hợp cùng Công ty Vina CHG và Cổng truyền thông Chống hàng giả Việt Nam tổ chức hội thảo: “Tăng cường công tác phòng, chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp”.

Tham dự có đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, các Bộ, Ngành và hàng trăm doanh nghiệp, người tiêu dùng khu vực phía Nam.

Doanh nghiệp trình bày về trường hợp bị làm giả sản phẩm tại hội thảo

Theo thống kê, hàng gian, hàng giả có mặt khắp mọi nơi, từ thành thị cho tới nông thôn với tất cả chủng loại hàng hóa, từ hàng giá trị thấp vài ngàn đồng cho tới những sản phẩm có giá trị cao lên đến hàng trăm triệu đồng. Cùng với vấn nạn hàng gian, hàng giả là tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản phẩm bị làm nhái, làm giả thương hiệu. 

Vấn nạn này gây ra thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và rủi ro cho người tiêu dùng cũng như gây ra bất ổn thị trường vì có sự cạnh tranh không lành mạnh.

Theo ý kiến của các đại biểu tham gia hội thảo, để chống hàng gian, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cần có sự chung tay vào cuộc của nhiều phía: ngành chức năng, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Trong đó, phải phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan thực thi tại cơ sở và biện pháp chế tài của pháp luật phải thật sự mạnh và đủ sức sức răn đe.

Luật gia Phan Thị Việt Thu - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TPHCM cho rằng, biện pháp chế tài phải mạnh, phải nặng để người ta phải cân nhắc khi làm hàng giả.

Những quy định xử phạt không nên chung chung bởi vì tất cả loại hàng hóa đều có ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các loại hàng giả khác nhau thì phải có chế tài xử phạt khác nhau, áp dụng vào thực tế mới hợp lý và có tính răn đe để người làm hàng giả chùng bước.