Lập đỉnh về giá
Năm 2022 tiếp tục là một năm khá thành công của những nhà xuất khẩu và sản xuất lương thực Việt Nam. Ước đến hết năm 2022 Việt Nam xuất khẩu được trên 7 triệu tấn gạo, con số không ai nghĩ sẽ đạt. Điểm đột phá là giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất thế giới, và lượng gạo xuất sang các thị trường khó tính tăng mạnh.
Theo VFA, năm 2022 gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã nhiều lần vượt qua Thái Lan và đứng đầu thế giới. Ngày 23/12, giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 440 USD/tấn còn Việt Nam ghi nhận mức 458 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo của Pakistan cũng khoảng 448 USD/tấn. Gạo Ấn Độ thấp nhất với 388 USD/tấn.
Với mức giá này, gạo 5% tấm của Việt Nam đang dẫn trước giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ từ 5-50 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam chào bán ở mức 438 USD/tấn.
Không chỉ có gạo trắng mà các loại gạo thơm, gạo japonica... của Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu với giá tốt. Giá gạo thơm xuất khẩu cho thị trường Trung Đông, châu Âu trong năm 2022 đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng loại gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn.
Nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo
Đánh giá về sự tăng trưởng của ngành gạo xuất khẩu Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản nhận định, những năm gần đây, việc chủ động từ sản xuất đến chế biến đã nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo Việt Nam.
Các vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu đã đưa giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất, nên sản phẩm gạo của Việt Nam cùng chủng loại với gạo Thái Lan được nhiều thị trường lựa chọn. Điều đó cho thấy không ít các DN xuất khẩu gạo Việt Nam đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo sang châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore với giá cao.
Giá gạo Việt Nam đang giữ vững vị thế hàng đầu thế giới do các DN đã nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh được nhiều thị trường lớn. Song song đó, những xung đột thế giới, thời tiết, dịch bệnh... cũng khiến nhu cầu gạo của nhiều quốc gia tăng mạnh.
Gạo Việt Nam ngày càng chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường, trong đó có thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Trong 11 tháng qua, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 1,39 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ; khối CPTTP đạt 263,3 triệu USD, tăng 19,8%; thị trường EU đạt trên 17,8 triệu USD, tăng 0,4%...
Đáng chú ý, chất lượng và độ an toàn thực phẩm của gạo Việt Nam ngày được nâng cao nên được nhiều thị trường cao cấp trên thế giới lựa chọn; các nước nhập khẩu gạo lớn gồm Trung Quốc, châu Phi và khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia… đang có nhu cầu lớn mua gạo Việt Nam.
Thị trường Philippines chuộng mua các loại gạo như: DT8, OM18 và OM5451, vì ngoài chất lượng và an toàn thực phẩm thì gạo Việt Nam do tính chất mùa vụ nên luôn đảm bảo độ tươi mới.
Cuối năm nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu nhưng do tỷ giá USD/VND tăng xấp xỉ 25.000 đồng nên họ chưa dám mua vào vì sợ lỗ dẫn đến thiếu gạo phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Hiện nay tỷ giá USD/VND đã về dưới mức 24.000 đồng, cộng với nhu cầu thị trường nhập khẩu từ cuối năm 2022 sẽ là yếu tố đẩy giá lúa gạo vụ Đông Xuân 2022-2023 tăng cao hơn so với với vụ Đông Xuân trước.
Có thể thấy, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dần chuyển dịch, nâng cao tỷ lệ sản xuất các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao. Cùng với đó, các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,…
Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam. Số liệu về trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường “có yêu cầu cao về chất lượng” đã cho thấy những “tín hiệu” tích cực về việc nâng cao chất lượng sản phẩm gạo của ngành nông nghiệp nói chung cũng như của các doanh nghiệp nói riêng.
Chú trọng các dòng sản phẩm chất lượng cao
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2022 thế giới đẩy mạnh việc mua hàng và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực về giá bán và lượng đơn hàng, xuất khẩu gạo của Việt Nam nếu muốn giữ vững vị thế, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tập trung hơn nữa cho các dòng sản phẩm chất lượng cao.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam, hiện loại gạo xuất khẩu của Việt Nam có giá vượt Thái Lan là gạo 5% tấm nhưng khả năng duy trì mức giá cao này có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn, chưa mang tính bền vững.
Các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 đến 20%.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao phân tích, xuất khẩu gạo là ngành nghề có điều kiện, do đó các doanh nghiệp lúa gạo cần xây dựng mặt hàng có tính chiến lược với chất lượng ổn định để tạo sự phát triển bền vững.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành sản xuất lúa gạo đang được thúc đẩy tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững với việc tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu và ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Bộ sẽ tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn lực về tài chính, ứng dụng khoa học - công nghệ, hướng đến xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững với các chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, như: SRP, GlobalGAP, VietGAP…
Qui hoạch vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu
Nhiều chuyên gia nhận định, những xung đột địa chính trị trên thế giới hiện nay, cộng với diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh khiến nhu cầu gạo thế giới tiếp tục tăng ở những năm tiếp theo.
Năm 2022, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và hạn chế gạo trắng 5% tấm. Trung Quốc là nước xuất khẩu gạo rất nhiều trong những năm trước nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nước này hạn chế xuất khẩu. Philippines, khách hàng nhập gạo số một của Việt Nam vừa quyết định không tăng thuế nhập khẩu đối với gạo, nhằm kiềm chế lạm phát trong nước.
Indonesia và Bangladesh cũng công bố các kế hoạch nhập khẩu gạo phục vụ nhu cầu trong nước. Trên cơ sở những yếu tố này có thể dự báo giá gạo xuất khẩu Việt Nam những tháng đầu năm 2023 sẽ tiếp tục giữ mức cao.
Vì vậy, DN xuất khẩu gạo Việt Nam cần chủ động xây dựng vùng sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết để bảo đảm cả về chất và lượng. Bởi thực tế cho thấy, khi DN xây dựng được chuỗi liên kết, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sẽ giảm được tối đa chi phí, bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó tăng giá trị xuất khẩu gạo.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho rằng, dư địa của ngành lúa gạo còn rất lớn, DN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và tạo ra vùng lúa hàng hóa chất lượng cao. Việc ứng dụng công nghệ, cấp mã số vùng trồng... sẽ giúp gạo Việt Nam xây dựng thành công thương hiệu và được định vị vững chắc trên thị trường quốc tế.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi lúa gạo chất lượng cao; đồng thời hình thành những kênh thông tin thị trường để quảng bá và xúc tiến thương mại.
Nhịn nhận về thị trường, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, trong chiến lược phát triển ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm sản lượng, giảm số lượng gạo xuất khẩu và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Đây chính là định hướng đúng đắn về tái cơ cấu ngành lúa gạo, làm cơ sở để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo sang chiều sâu; đáp ứng tiêu chuẩn cao về nhập khẩu và nhu cầu người tiêu dùng ở các nước phát triển.
Nhằm hỗ trợ DN chủ động phương án xuất khẩu gạo và tận dụng những lợi thế hiện có, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương liên tục cập nhật diễn biến thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin cho DN.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị; đồng thời phối hợp với các địa phương, DN tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Bộ NN&PTNT đang tăng cường khảo sát và xây dựng các vùng trồng bảo đảm chất lượng; đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng vùng trồng lúa gắn với hình thành hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin như mã vùng, liên kết, thẩm định… nhằm bảo đảm tiêu chuẩn về xuất khẩu.
Triển vọng ngành lúa gạo trong năm 2023
Ước tính cả năm 2022, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn với trị giá ước khoảng 3,5 tỉ USD. Hiện trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 6,67 triệu tấn, tương đương trên 3,23 tỷ USD, giá trung bình đạt 484,9 USD/tấn.
Trong khi đó số liệu của Thái Lan cho thấy lượng gạo xuất khẩu của nước này đạt 8 triệu tấn, đứng thứ 2 về số lượng gạo xuất khẩu sau Ấn Độ.
Đánh giá về triển vọng của ngành lúa gạo trong năm 2023, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo sẽ thuận lợi bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.
Cùng với thuận lợi, theo ông Đỗ Hà Nam, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, sản xuất - xuất khẩu lương thực nói riêng sẽ phải đối mặt với một số thách thức liên quan đến vốn và room tín dụng.
Hiện nay câu chuyện tài chính đang là khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới những doanh nghiệp muốn mở rộng hoặc thu mua dự trữ. Chưa kể là hiện nay Ngân hàng Nhà nước dù bắt đầu mở thêm room tín dụng nhưng mức độ nó rất nhỏ, dẫn tới rủi ro cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thuận lợi, thách thức đan xen, các doanh nghiệp mong muốn cơ chế về tỷ giá, lãi suất phải có tính ổn định. Bởi khi doanh nghiệp lên phương án kinh doanh sản xuất đều phải dựa trên tỷ giá và khi tỷ giá lên xuống một cách đột ngột thì tất cả những tính toán của các doanh nghiệp đều sẽ không còn chính xác, dẫn đến thua lỗ.
Tính ổn định nguồn vốn cũng rất quan trọng, giúp đảm bảo định hướng sản xuất và Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế cấp vốn cho doanh nghiệp lúa gạo.
Việc xúc tiến thương mại cũng cũng được doanh nghiệp đặc biệt chú trọng và quan tâm. Do đó các doanh nghiệp mong muốn được Bộ Công Thương hỗ trợ, tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại đi các thị trường mới, trọng điểm như Trung Đông, EU…
Hiện nay, việc xúc tiến thương mại cho nông sản nói chung, mặt hàng gạo nói riêng được Bộ Công Thương rất chú trọng thông qua tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi hội chợ, triển lãm tại nước ngoài. Bên cạnh đó, ngay tại nội địa, Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều hội thảo kết nối giao thương trực tiếp cho doanh nghiệp với nhà mua quốc tế.
Liên quan vấn đề này, ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch VFA đánh giá: Những năm gần đây Bộ Công Thương đã tổ chức rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp gạo. Tổ chức các đoàn xúc tiến tham gia hội chợ, triển lãm hoặc kết nối giao thương tại nước ngoài. Qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng và có tín hiệu tốt ngay sau đó.
Những chương trình xúc tiến tại nước ngoài khi có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công Thương đã giúp kết quả đàm phán vượt xa mong đợi của doanh nghiệp.
Các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và có hiệu lực như EVFTA, UKVFTA…với những ưu đãi về mặt thuế quan đã giúp thương hiệu gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Nhờ đó, Việt Nam đang dần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản với giá bán gạo cao hơn so với gạo trắng, góp phần đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và nông dân.