Chờ...

Những nhân tố mới đang có lợi thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam

(VOH)-Việc Philippines duy trì mức thuế nhập khẩu gạo hiện tại và Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu với khối lượng lớn vào cuối năm được cho là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Những nhân tố mới đang có lợi thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam khẳng định vị thế
Gạo tại các kho ở Đồng bằng sông Cửu Long chờ xuất khẩu

Yếu tố xúc tác cho thị trường xuất khẩu

Dự kiến trong năm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7 triệu tấn gạo với trị giá 3,5 tỷ USD. Đây là một kết quả đầy ấn tượng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Philippines - nước nhập khẩu gạo lớn tiếp tục duy trì mức thuế nhập khẩu gạo hiện tại. Ngày 18/12, Văn phòng tổng thống Philippines đã thông báo, mức thuế nhập khẩu gạo ở mức 35% dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, với việc Philippines đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong vòng 14 năm qua, Tổng thống Marcos đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng mức thuế này đến hết ngày 31/12/2023.

Việc Philippines duy trì thuế nhập khẩu gạo ở mức 35% được kỳ vọng sẽ có lợi cho doanh nghiệp gạo Việt Nam. Trước đây mức thuế nhập khẩu gạo của Philippines là 40% đối với gạo nhập khẩu theo hạn ngạch và 50% đối với gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch.

Philippines đã tăng nhập khẩu từ 2,9 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn và đang tăng cường  nhập khẩu gạo trong tháng 12 này, khi vụ mùa ở nước này kết thúc.

Thông tin về tình hình thị trường lúa gạo, thị trường Trung Quốc cũng đang chuyển sang nhập khẩu với khối lượng lớn vào cuối năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên thế giới, gạo xuất khẩu tại các nhà cung cấp hàng đầu châu Á tăng trong tháng qua.

Chính phủ Ấn Độ đã tăng giá thu mua lúa thường vụ mới từ nông dân lên 5,2%, mức tăng lớn nhất trong 5 năm qua, để khuyến khích nông dân tăng diện tích và sản lượng.

Một số quốc gia châu Âu có xu hướng nhập khẩu gạo nhiều hơn thay thế cho nguồn cung lúa mì bị sụt giảm mạnh vì xung đột Nga – Ukraine, đặc biệt là đối với các loại gạo chất lượng cao, gạo thơm và các thị trường trọng điểm như Philippines và Trung Quốc.

Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho biết hiện có yếu tố hỗ trợ giá gạo trong nước: Tỷ giá USD/VNĐ đang tăng cao; hai là Philippines và Malaysia đang có nhu cầu nhập khẩu lại, nên giá gạo xuất khẩu có thể tăng thêm hơn so với hiện tại. Giá lúa Thu Đông sẽ tốt hơn tạo tâm lý phấn khởi để bà con đầu tư cho vụ lúa Đông Xuân tới, là vụ lúa chính có lượng hàng hóa rất dồi dào, các nước sẽ tăng nhập hàng để tiêu dùng hoặc dự trữ.

Nhận định về thị trường, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, hiện nay những biến động trên thị trường gạo thế giới như chiến tranh, gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu dẫn tới nhiều nước phải tính toán lại nhu cầu an ninh lương thực của mình. Trong khi đó, nguồn cung gạo của Việt Nam được duy trì ở mức khá ổn định, do đó đây là cơ hội lớn cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu.

Xuất khẩu vượt xa kỳ vọng

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng của năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đã đạt trên 6,68 triệu tấn, tương đương trên 3,24 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng, tăng 6,7% về kim ngạch so với 11 tháng năm 2021.

Ước tính, giá xuất khẩu bình quân gạo của Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 493 USD/tấn, tăng 3,1% so với tháng 10/2022, nhưng giảm 5,8% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân gạo đạt 485 USD/tấn, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Những nhân tố mới đang có lợi thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam khẳng định vị thế 2
Bảng so sánh xuất khẩu gạo trong 11 tháng qua các năm. Nguồn Báo Công Thương

Đánh giá về tình hình gạo, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: “Năm 2022 là một năm có rất là nhiều biến động trên thị trường, khi đầu năm giá gạo đi xuống và phải đến quý III giá gạo mới tăng lên. Tuy nhiên có thể khẳng định năm 2022 vẫn tiếp tục là một năm khá thành công của những nhà xuất khẩu và sản xuất lương thực Việt Nam. Theo đó, ước đến hết năm 2022 Việt Nam xuất khẩu được trên 7 triệu tấn gạo. Đây là một con số những người làm trong ngành như chúng tôi không ai nghĩ sẽ đạt”.

Nói về kết quả xuất khẩu ấn tượng của gạo Việt, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu gạo chất lượng cao vào thị trường Nhật Bản, EU, đặc biệt là trong bữa ăn của nội các Nhật Bản cũng sử dụng gạo của Việt Nam.

"Tôi cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 11 đạt gần 7 triệu tấn gạo với trị giá 3,5 tỷ USD, kết quả này không phải là may rủi mà là một quá trình. Chúng ta chọn tạo bộ giống lúa, đáp ứng yêu cầu các thị trường từ thấp cấp đến cao cấp.

Về canh tác, công tác khuyến nông đã nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; đồng thời doanh nghiệp liên kết với nông dân, HTX sản xuất gạo để đáp ứng các tiêu chí của các nước có yêu cầu xuất khẩu cao như Mỹ, EU" - ông Cường nói.

Ông Nguyễn Như Cường, PGS-TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng đồng quan điểm: “ Kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 chính là nhờ chúng ta đang hưởng lợi những kết quả từ chính sách tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện từ gần 10 năm nay, chứ không phải mở cửa thị trường mà đáp ứng được ngay. Đó là chúng ta đã chuyển dần từ sản xuất gạo chất lượng thấp sang sản xuất lúa gạo chất lượng cao, với những bộ giống gạo rất thơm ngon.”

11 tháng qua, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,9% trong tổng lượng và chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 3 triệu tấn, tương đương 1,39 tỷ USD, giá trung bình 463 USD/tấn, tăng 30% về lượng, tăng 18% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Thị trường Trung Quốc đứng thứ hai và chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 807.947 tấn, tương đương 408,49 triệu USD, giá trung bình 505,6 USD/tấn, giảm 19,2% về lượng và giảm 17,4% kim ngạch.

Tiếp đến là Bờ Biển Ngà đạt 655.593 tấn, tương đương 294,28 triệu USD, giá 448,9 USD/tấn, tăng mạnh 83% về lượng và tăng 61,3% kim ngạch nhưng giảm 11,9% về giá so với cùng kỳ. Thị trường này hiện chiếm trên 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang khối các thị trường RCEP 11 tháng qua đạt 4,42 triệu tấn, tương đương trên 2,09 tỷ USD, tăng 17% về lượng, tăng 9,1% kim ngạch; khối CPTTP đạt 543.913 tấn, tương đương 263,13 triệu USD, tăng 31,5% về lượng và tăng 19,8% kim ngạch; khối EU đạt 26.668 tấn, tương đương trên 17,84 triệu USD, tăng 17% về lượng, tăng 0,4% kim ngạch.

Chế biến sâu là xu hướng phát triển bn vững

Theo ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, các doanh nghiệp gạo Việt Nam muốn xuất khẩu vào các thị trường khó, có giá trị cao thì phải tư duy theo kiểu cùng nhau; doanh nghiệp phải bỏ tư duy buôn chuyến. Khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn, riêng gạo thơm có giá trị cao miễn 30.000 tấn.

Ông Đào Thế Anh cũng cho rằng, thị trường gạo còn một số sản phẩm chế biến cao cấp mà chúng ta ít chú ý, như mì gạo, bún khô… Đây là những sản phẩm mà khách châu Âu rất thích, do bảo quản được lâu. Nhưng quan trọng là các sản phẩm này không được có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Có lẽ đây cũng là một hướng đi mà chúng ta sẽ góp phần tăng giá trị hạt gạo theo gợi ý của Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Lê Minh Hoan.

Vua Gạo
Ảnh:PN

Trong kế hoạch sản xuất 2023, Cục Trồng trọt đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn để xây dựng cụ thể nhưng sẽ xoay xung quanh tiêu chí: Phải luôn đảm an ninh lương thực quốc gia. Cụ thể: đảm bảo sản xuất ra 43 triệu tấn thóc, trên 1 triệu ha rau, 1 triệu ha quả, song song với phát triển cây công nghiệp.

Dựa trên phân tích những kết quả, hạn chế trong năm 2022, Cục Trồng trọt sẽ có những định hướng cụ thể đối với từng ngành hàng như gạo, rau củ quả, trái cây… Xuất khẩu nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước.

“Thời gian tới, tôi cho rằng chúng ta vẫn phải tiếp tục đa dạng thị trường, bao gồm cả Trung Quốc; tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo các yêu cầu của thị trường về an toàn thực phẩm, hoàn thiện khâu sau thu hoạch gồm cả đóng gói, bao bì… Tôi tin tưởng chúng ta vẫn có nhiều cơ hội để tăng trưởng và như vậy, xuất khẩu nông sản sẽ tăng trưởng dương trong năm 2023" - TS Đào Thế Anh  khẳng định.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cũng khẳng định, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng, gạo Việt Nam ngày càng tiếp cận được với những thị trường khó tính, khẳng định sự đúng hướng trong việc chuyển hướng tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao của Bộ NNPTNT.

Theo số liệu thống kê, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11/2022 ước đạt 600 nghìn tấn với giá trị đạt 296 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,69 triệu tấn và 3,24 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2022 ước đạt 485 USD/tấn, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021.

https://vuagaovn.com/

Vua Gạo