Chờ...

Xuất khẩu gạo năm 2023: Thách thức và cơ hội

(VOH)-Xuất khẩu gạo năm 2023 được nhận định sẽ thuận lợi, giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao, nhưng nếu Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt.
Xuất khẩu gạo năm 2023: Thách thức và cơ hội 1
Xuất khẩu gạo năm 2023 với nhiều kỳ vọng, Ảnh minh họa

Kỳ vọng 2023 sẽ là một năm thuận lợi cho gạo Việt Nam

Các chuyên gia ngành gạo dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 sẽ thuận lợi, giá gạo vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.

Sự kỳ vọng này dựa vào việc giá gạo tăng do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Giá gạo Ấn Độ có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó sẽ thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam. Vì vậy, kỳ vọng các nhà sản xuất gạo sẽ có biên lợi nhuận gộp cao hơn trong 2023 nhờ giá bán tăng.

Hiện Philippines là khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Bởi nguồn cung trong nước của Philippines đang ở mức thấp do tồn kho cho năm 2023 khá thấp. Ngoài ra, sản lượng gạo được dự báo sẽ giảm do thiệt hại mùa màng từ hậu quả của cơn bão Noru.

Thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á như thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh… có thể ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất trong niên vụ 2022-2023. Do sản lượng trong nước giảm, nhập khẩu gạo của Trung Quốc dự kiến cũng sẽ tăng lên mức kỷ lục.

VNDIRECT cho biết, sự gia tăng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực từ khi những tranh chấp địa chính trị gần đây. Trong bối cảnh nguồn cung giảm trong khi nhu cầu ổn định, gạo thế giới và gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ còn tiềm năng tăng giá trong 2023.

Xuất khẩu gạo năm 2023: Thách thức và cơ hội 2
Tỷ trọng các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, BLOOMBERG

Thách thức ngành lúa gạo Việt Nam

Tín hiệu thị trường khả quan song Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn phải đối mặt với thách thức tăng trưởng do áp lực cạnh tranh và chi phí đầu vào cao.

Khối phân tích cũng chỉ ra những rủi ro đó là giả định việc Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo của Việt Nam và giảm giá xuất khẩu. Bên cạnh đó, dự báo thời tiết cho thấy pha Trung tính khả năng cao sẽ xảy ra vào năm 2023 (lượng mưa ít hơn pha La Nina) có thể ảnh hưởng đến sản lượng gạo.

BSC phân tích năng lực cạnh tranh của gạo xuất khẩu của Việt Nam chưa cao do chủ yếu cạnh tranh với các đối thủ về giá bán, phần lớn chưa đảm bảo được yêu cầu về quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật… Điều này khiến mức tăng giá kỳ vọng có thể thấp hơn mức tăng giá xuất khẩu trung bình thế giới.

Mặt khác, vấn đề chi phí đầu vào, logistics của Việt Nam cao hơn các đối thủ, trình độ chuyên môn hoá và năng lực sản xuất còn hạn chế, diện tích canh tác manh mún… sẽ tiếp tục tạo áp lực lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành gạo.

Tính đến hết tháng 10, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 600 nghìn tấn với giá trị đạt 296 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,69 triệu tấn và 3,24 tỷ USD, tăng 16,3% về khối lượng và tăng 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2022 ước đạt 485 USD/tấn, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, để xuất khẩu gạo Việt Nam chiếm ưu thế, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới  thị trường Trung Quốc, bởi đây vốn là thị trường lớn và tiềm năng của nông sản Việt. Tuy nhiên, quốc gia đông nhất thế giới đang có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng…

Hiện có 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc. Việt Nam đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp.

Về vấn đề kiểm dịch, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ông La Vân Phi, Chủ tịch Công ty Đại Dương Seed cho biết, yêu cầu kiểm dịch nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng sang Trung Quốc ngày càng khắt khe và liên tục bổ sung.

Doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam cần liên tục cập nhật yêu cầu kiểm dịch, bao bì, nhãn mác,… từ hải quan Trung Quốc và các cơ quan chức năng để tránh tình trạng nông sản lên tới cửa khẩu lại phải quay đầu vì không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.

Hiện các sản phẩm cao cấp đang có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng sản phẩm lúa gạo phổ thông vẫn chiếm nhu cầu chính trong thị phần tại Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu để phát huy thế mạnh từng nhóm sản phẩm theo từng phân khúc khác nhau để chinh phục thị trường Trung Quốc.

Theo TS. Lê Quý Kha - Công ty cổ phần Đại Thành cho biết, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên dùng giống có tính chống chịu cao có thể canh tác rất phù hợp trên các đất lúa tôm, lúa rươi; Các biện pháp canh tác thông minh như dùng máy bay không người lái, trạm giám sát thông minh, truy xuất nguồn gốc để tăng tính minh bạch,... mới có thể đáp ứng các yêu cầu của phía Trung Quốc.

Bên cạnh đó, công ty cũng sử dụng hữu cơ vi sinh để đạt được các tiêu chuẩn VietGAP, giảm thuốc trừ sâu và đặc biệt là việc kết nối chuỗi giá trị - xuất khẩu...

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho rằng, câu chuyện liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo là khó nhất trong sản xuất lúa hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tại An Giang, hiện nay đang có các đơn vị thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo tốt như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long…

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị, bên cạnh Trung Quốc, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn. Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật…của thị trường nhập khẩu,

Nâng cao năng suất, chất lượng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đi theo hướng sạch, bền vững. Doanh nghiệp, nông dân đang có xu hướng tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, phế phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, cám, phân hữu cơ... Qua đó, góp phần hiện thực hóa cam kết cắt giảm khí thải nhà kính, phấn đấu đến năm 2030 sẽ giảm 50% phát thải khí mê tan.

https://vuagaovn.com/

Xuất khẩu gạo năm 2023: Thách thức và cơ hội 3, Vua Gạo