GDP quý II/2022 tăng trưởng 7,72%, cao kỷ lục 10 năm

(VOH) Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021.

GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, song kinh tế Việt Nam vẫn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như: thực hiện chính sách tài khóa - tiền tệ, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

GDP quý II/2022 tăng trưởng 7,72%, cao kỷ lục 10 năm 1
Ảnh minh họa: internet

Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam gây bất ngờ khi tăng 7,7% trong quý 2/2022 so với cùng kỳ năm trước và vượt xa mức dự báo 5,9% từ các tổ chức nghiên cứu (trung bình từ các mức dự báo trong khoảng 4,5-6,5%) và ước tính 6,0% của Ngân hàng UOB Việt Nam.

Sự phục hồi mạnh mẽ của tăng trưởng GDP quý 2/2022 được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất đã tăng tốc trong quý thứ 4 liên tiếp và sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động dịch vụ đã dần lấy lại đà tăng kể từ đợt giảm cuối cùng trong quý 3/2021.

Dựa trên kết quả tăng trưởng mạnh trong quý 2/2022 và dữ liệu lịch sử cho thấy kết quả hoạt động 6 tháng cuối năm khá tích cực, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7,0% từ 6,5% trước đó, giả định không có thêm sự gián đoạn nào do COVID-19 và tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm vào khoảng 7,6 -7,8%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5%). Riêng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7% (đóng góp 48,33%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với mức tăng 9,6%.

Khu vực dịch vụ tăng 6,6% (đóng góp 46,6%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: bán buôn và bán lẻ (tăng 5,8%), hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (tăng 9,5%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 11,19%), ngành vận tải, kho bãi (tăng 8,13%).

Về cơ cấu nền kinh tế nửa đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,05%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,3%, khu vực dịch vụ chiếm 40,6%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9%.

Với hoạt động ngoại thương, trong tháng 6, xuất khẩu tăng gần 20% trong khi nhập khẩu tăng 17% so với cùng kỳ, đạt thặng dư thương mại 276 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tăng trưởng tháng thứ 6 liên tiếp với mức tăng 17,3% trong khi nhập khẩu tăng 15,8% với thặng dư thương mại lũy kế là 907 triệu USD.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được duy trì tích cực với dòng vốn đầu tư giải ngân đạt 10,1 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2022, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Với đà tăng so với cùng kỳ năm trước, giải ngân FDI trong năm nay có thể sẽ vượt qua kết quả vốn đầu tư 19,7 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2021. Tuy nhiên, vốn FDI cam kết hoặc đăng ký trong 6 tháng đầu năm - cho biết quy mô giải ngân FDI trong tương lai - giảm 8,9% so với cùng kỳ còn 14,03 tỷ USD, so với 15,3 tỷ USD năm trước. Trong số vốn đăng ký, 63% dành cho lĩnh vực sản xuất và chế biến, trong khi 22,5% là bất động sản. Singapore là nhà đầu tư FDI hàng đầu, tiếp theo là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Về sử dụng GDP nửa đầu năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,06% so với cùng kỳ năm trước, tích lũy tài sản tăng 3,92%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,1%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,41%.

Ngoài ra vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong nửa đầu năm nay theo giá hiện hành ước đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với 6 tháng đầu năm của các năm 2018 - 2022, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng 6 tháng đầu năm và cả năm 2022.

Tính chung nửa đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước (xuất khẩu tăng 17,3% và nhập khẩu tăng 15,5%). Cán cân thương mại hàng hóa nửa đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

GDP quý II/2022 tăng trưởng 7,72%, cao kỷ lục 10 năm 2
Bình luận