Giá gạo thế giới tăng - cơ hội cho gạo Việt?

VOH - Ấn Độ vừa ra lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng gạo tẻ thường, đến Nga và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nối theo; ảnh hưởng tâm lý doanh nghiệp, người nông dân và thị trường gạo Việt Nam.

Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, việc Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu gạo chẳng qua chỉ là giọt nước tràn ly. Khan hiếm lương thực toàn cầu đã diễn ra nhiều năm, cứ năm sau thiếu hụt lương thực cao hơn năm trước. Tuy nhiên, với việc dừng xuất khẩu gạo đột ngột của một thị trường lớn như Ấn Độ là “xung động” ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường thế giới.

Mặc dù nhu cầu và giá gạo thế giới tăng, nhưng một số doanh nghiệp vẫn có thể bị thua lỗ do doanh nghiệp chưa chủ động liên kết với nông dân về nhu cầu khối lượng và giá. Trước thời điểm chưa tăng giá, vì quá cần đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước với khách hàng ở mức giá cũ, sau đó sẽ đi thu mua gạo từ nông dân để cung cấp cho khách hàng. Bây giờ giá lúa tươi, giá gạo tăng lên, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, ông Bình chia sẻ.

Giá gạo thế giới tăng - cơ hội cho gạo Việt? 1
Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo khiến nhiều nước bị xáo trộn - Ảnh: Forbes India

Về xuất khẩu gạo và an ninh lương thực, ông Phạm Thái Bình phân tích, Việt Nam không giống Ấn Độ. Họ cấm xuất khẩu gạo do lượng gạo xuất khẩu của họ cao gấp ba lần Việt Nam, nhưng dân số Ấn Độ cao gấp 15 lần, họ lo bị thiếu lương thực là có cơ sở.

Trong khi Việt Nam lúc nào cũng thừa gạo, 25 năm liên tiếp Việt Nam xuất khẩu từ 6.000.000 đến 7.000.000 tấn gạo/năm. Đó là cơ sở đầu ra đảm bảo giá lúa để nông dân tái sản xuất cho vụ sau. Nên tình hình khan hiếm như hiện nay có thể xem là cơ hội cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ông Bình giải thích thêm.

Còn ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời thì thận trọng hơn, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo thì đó là một cơ hội, nhưng tận dụng cơ hội này thế nào cho hài hòa là một bài toán.

Giá gạo thế giới tăng - cơ hội cho gạo Việt? 2
Gạo Việt có thể tận dụng cơ hội này, song vẫn còn tiềm ẩn - Ảnh: internet 

Ông Huỳnh Văn Thòn phân tích, khi giá lúa tăng thì việc thương lượng giá, định giá bán sẽ nghiêng về phía người bán, là người nông dân. Có thể nông dân thấy lời nhiều, dẫn đến tâm lý không quan tâm việc tuân thủ tổ chức sản xuất theo chất lượng, cam kết, phá vỡ mối liên kết với doanh nghiệp mà chạy theo bán giá cao. Đây là rủi ro cho hình ảnh chất lượng thương hiệu gạo Việt.

Theo ông Thòn, tình hình đang có lợi cho nông dân và gạo Việt. Chúng ta có khả năng tăng xuất khẩu lên 9.000.000 tấn gạo/ năm, ổn định cho thị trường xuất khẩu, vị thế quốc gia tăng. Tôi nghĩ xu thế giá gạo tăng khó có thể giảm, thu nhập của bà con nông dân tăng. Dĩ nhiên là cần quản lý chặt để điều tiết bảo đảm an ninh lương thực.

Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang nhận định, vấn đề giá lúa gạo của Việt Nam đang ở thời điểm “đỉnh”, người dân Hậu Giang và đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi vì tăng thu nhập, ổn định sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 24 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội xuất khẩu, nâng cao thu nhập người dân, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của gạo Việt Nam.

Đây là tín hiệu tích cực trong điều hành chính sách kinh tế quốc gia, an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, nâng tăng trưởng xuất khẩu gạo, tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngành gạo, cải thiện đời sống người nông dân gắn liền với tài nguyên lúa gạo Việt.

Bình luận