Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giá thép xây dựng hôm nay 23/11/2020: Quay đầu giảm mạnh trên Sàn Thượng Hải

(VOH) - Giá thép ngày 23/11 giảm trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Giá quặng sắt tại Đại Liên tăng. Giá quặng sắt tại Singapore giảm. Tồn trữ thép tại Trung Quốc chạm mức thấp mới 10 tháng.

Giá thép thế giới giảm mạnh

Giá thép ngày 23/11 giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 37 nhân dân tệ xuống mốc 3.918 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30 (giờ Việt Nam).

Ảnh minh họa: internet

Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)

Tồn trữ 5 sản phẩm thép thành phẩm chủ yếu bao gồm thanh cốt thép tại 184 nhà máy thép Trung Quốc giai đoạn từ 12-18/11/2020 giảm 3,6% xuống mức thấp nhất 10 tháng (khoảng 5 triệu tấn).

Giá quặng sắt tại Đại Liên ngày 20/11/2020 tăng và có tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 8/2020, do tồn trữ thép tại các nhà máy thép Trung Quốc suy giảm thúc đẩy các thương nhân mua nguyên liệu sản xuất thép hỗ trợ giá tăng cao.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên tăng 1% lên 881,5 CNY (134,03 USD)/tấn, tăng phiên thứ 5 liên tiếp. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 5,8%.

Hoạt động xây dựng tại Trung Quốc – nước sản xuất và tiêu thụ hàng đầu thế giới – dự kiến sẽ chậm lại khi thời tiết trở nên lạnh hơn trong những tuần tới.

Giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc cũng tăng trong tuần qua, với giá thanh cốt thép trên sàn Thượng Hải tăng 0,8%, thép cuộn cán nóng giảm 0,5% sau 5 phiên tăng liên tiếp. Giá thép không gỉ tăng 1,6%.

Sản xuất thép tháng 10 tăng nhưng bán hàng giảm

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước 10 tháng đạt 20,9 và gần 18,4 triệu tấn, giảm lần lượt 0,3% và 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu thép giảm mạnh, đạt 1,64 triệu tấn, tương đương giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng tháng 10, sản xuất thép các loại đạt 2,39 triệu tấn, tương đương với sản lượng tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ 2019. Bán hàng thép các loại đạt 1,815 triệu tấn, giảm 14,8% so với tháng 9 và giảm 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 399.623 tấn, giảm 19,7% so với tháng trước nhưng tăng 16,5% so với cùng kỳ tháng 10/2019.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thép là ngành được kỳ vọng có điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực.

Tuy nhiên, hiện nay ngành thép vẫn phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt là thép phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ hay EU khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước.

Các chuyên gia cho rằng ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành thép cần nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước khác nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.

Bình luận