Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOH phỏng vấn ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp để kéo giảm giá thịt heo và tăng đàn heo, tái đàn heo trong thời gian tới.
*VOH: Thưa thứ trưởng, hiện nay Bộ có giải pháp gì cho vấn đề tái đàn, tăng đàn heo?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo làm sao phải nhập 100 ngàn tấn thịt heo. Các nước phát triển người ta chăn nuôi heo theo chuỗi khép kín, kiểm soát được con giống, thuốc thú y, thức ăn, quy trình nuôi dưỡng rồi vận chuyển đến địa điểm giết mổ, giết mổ theo tiêu chuẩn Châu Âu, rồi cấp đông chuyển về Việt Nam, mình lại có kiểm soát lần nữa.
Trước khi nhập khẩu thịt heo vào Việt Nam thì Bộ đã cử 1 đoàn cán bộ sang xem xét các tiêu chuẩn và như vậy thịt heo nhập khẩu về đảm bảo chất lượng rất tốt. Số người tiêu dùng thịt heo nhập khẩu ngày càng tăng lên.
Đối với đàn heo trong nước, theo chu chuyển, tính toán của chúng tôi cùng với Tổng cục thống kê thì khoảng vào quý 3, quý 4, lượng thịt heo đưa ra thị trường sẽ tương đương năm 2018 - năm có sản lượng thịt heo cao nhất ở nước ta. Số lượng heo giống đang thiếu tuy nhiên để giải quyết, chúng ta đã cho nhập hơn 3000 con cụ kỵ và kế hoạch năm nay nhập tiếp 12.000 con nữa.
Nếu nhập đủ cơ cấu giống thì tình hình sẽ trở lại bình thường như đợt trước thôi.
* VOH: Nếu nhập khẩu nhiều thịt heo về quá có thể gây sự cạnh tranh giữa thịt heo trong nước và thịt heo nhập khẩu, làm cho thịt heo trong nước tiêu thụ chậm hơn?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Nhập khẩu thịt heo trong nước tính đến 27/4/2020 thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao hỗ trợ tối đa doanh nghiệp nhập khẩu và chúng ta đã nhập được 54.043 kg từ các nước. Trong đó từ Singapore, Liên Bang Nga đã làm thủ tục và xuất vào Việt Nam hơn 5 ngàn tấn và đã lên cảng gần 3 ngàn tấn. Mối quan hệ thương mại mới được khai thác đang phát huy hiệu quả rất cao.
Chúng tôi nhập khẩu thịt heo để điều tiết cung cầu trong lúc đang thiếu hụt, khó khăn, đảm bảo như Thủ tướng đã nói là người tiêu dùng, người chăn nuôi và người chế biến là phải đảm bảo lợi ích đồng thời không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng.
*VOH: Ông đánh giá như thế nào về công tác tái đàn heo trong thời gian qua, liệu rằng đến quý 3, quý 4 năm nay như đã nói, lượng heo sẽ ổn định như mọi năm?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Công tác tái đàn đang được các địa phương triển khai rất tích cực. Qua kiểm tra rất nhiều địa phương, ví dụ như Đồng Nai, quy mô đàn heo trước khi xảy ra dịch là 2,5 triệu con, đến bây giờ đã gần 2,1 triệu con, đạt trên 80%.
Tại sao đến thời điểm này, chúng ta chưa đảm bảo được số lượng đầu heo và sản lượng thịt. Là vì tháng 5, tháng 6, tháng 7 là 3 tháng dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy số lượng thịt heo rất nhiều. Do vậy đến tháng 8 người ta mới phối.
Theo chu kỳ sinh học 3 tháng, 3 tuần, 3 ngày thì con heo mới đẻ, đẻ rồi nuôi 6 tháng thì mất 1 khoảng trống khoảng 3-4 tháng. Chính chúng ta làm tốt công tác phòng chống dịch thì có điều kiện tốt để tái đàn như thế này.
Tuy nhiên, bây giờ để đảm bảo an toàn sinh học mới cho tái đàn, tốc độ tăng nhanh nhưng phải bền vững và an toàn. Chúng ta đã biết rồi khi dịch tả heo Châu Phi xảy ra, Trung Quốc mất 17 tháng mới khống chế được. Chúng ta chỉ mất 11 tháng là khống chế cơ bản dịch tả lợn Châu Phi. Chúng ta đã làm tốt điều kiện tái đàn.
Để tăng đàn heo, nhiều nước phải mất từ 2- 3 năm nhưng chắc chắn chúng ta chỉ mất hơn một năm là đảm bảo được sản lượng thịt heo cung cấp cho người tiêu dùng ở mức tương đối ổn định.
*VOH: Cảm ơn ông!
Dự báo giá vàng tuần 1/6 – 7/6: Tuần biến động mạnh của vàng: Tháng 6 dự kiến là tháng rất xáo trộn của thị trường vàng khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục là yếu tố địa chính trị quan trọng.
Thị trường chứng khoán 2/6/2020: VN-Index vượt ngưỡng 880 điểm: Phiên giao dịch sáng ngày 2/6, các cổ phiếu pennies tăng không ngừng để tạo ra mặt bằng giá mới trong bối cảnh các cổ phiếu Bluechips chịu áp lực chốt lãi.