Thông tin trên được Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nêu ra tại Diễn đàn Logistics TPHCM lần thứ 1 năm 2022 diễn ra chiều 30/9. Diễn đàn do Sở Công Thương TP.HCM, Trường Đại học Hoa Sen và Hiệp hội Logistics TP.Hồ Chí Minh (HLA) cùng phối hợp tổ chức.
Phân tích cụ thể về 2 điểm nghẽn này, bà Thắng cho rằng, đối với điểm nghẽn đầu tiên là về hạ tầng logistics, gồm có hạ tầng giao thông và các trung tâm logistics.
Về hạ tầng giao thông, Thành phố Hồ Chí Minh có thế mạnh về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho khu vực các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thành phố, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối Thành phố với các tỉnh Đông - Tây Nam bộ triển khai còn chậm. Do đó, giao thương hàng hóa 02 chiều giữa Thành phố với các tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Về phát triển các trung tâm logistics, theo báo cáo của các sở - ngành, chỉ mới có Trung tâm logistics Khu Công nghệ Cao (6 hecta) đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng. Các trung tâm logistics còn lại chủ yếu ở giai đoạn lập quy hoạch phân khu (1/2000). Trong khi đó, cũng trên địa bàn Thành phố, các dự án “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.
Còn đối với điểm nghẽn nguồn nhân lực, bà Thắng cho hay, khi nói đến lợi thế cạnh tranh của Thành phố so với các tỉnh, thành thì nguồn nhân lực được xem là lợi thế cạnh tranh lớn nhất. Thành phố có số lượng các trường đào tạo từ bậc trung cấp, cao đẳng, đến đại học, sau đại học cao nhất cả nước. Thành phố cũng là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước, vì vậy Thành phố là môi trường hành nghề logistics lớn nhất nước, cung cấp nhân lực logistics cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Trên cơ sở đó, Thành phố xác định phải trở thành trung tâm đào tạo, cung cấp nhân lực logistics cho khu vực phía Nam và cả nước. Tuy nhiên, khi đánh giá về hiện trạng công tác đào tạo thì mối liên kết giữa hệ thống các trường đào tạo với các doanh nghiệp logsitics còn chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác, kết nối để nắm bắt nhu cầu từ đào tạo đến đầu ra; mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực logistics cũng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của Thành phố.
Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh xác định ngành logistics là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế Thành phố. Vai trò quan trọng đó cũng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI xác định “Đề án Phát triển ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là một trong 49 chương trình, Đề án trọng tâm phát triển kinh tế Thành phố.
Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu phải phát triển logistics trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.HCM đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP.HCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; Góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng10 - 15%.
Về giải pháp nguồn nhân lực ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố đề xuất, trong đó có 2 nhiệm vụ chiến lược: Một là đào tạo hỗ trợ ngắn hạn cho các doanh nghiệp logistics có quy mô nhỏ và vừa, mức hỗ trợ kinh phí hiện nay mà ngân sách hỗ trợ là 70% và 30% là do các doanh nghiệp tham gia đóng góp, nhiệm vụ này mình cần làm nhanh để bổ sung ngay cái nguồn nhân lực đang thiếu hụt của ngành logistics. Thứ hai là phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo cho ngang bằng với trình độ quốc tế, thì Thành phố xác định nhân lực ngành logistics sẽ liên tục dịch chuyển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ra chúng tôi cũng đề xuất giải pháp là liên kết các tỉnh thành về đào tạo, để chia sẻ nguồn nhân lực này.
Đối với đề xuất cơ chế đặc thù, ông Bùi Hoà An – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố đề nghị: “Việc thứ nhất là phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư dự án hoặc đề xuất chính phủ thu xếp nguồn vốn phù hợp cho thành phố vay lại, để đầu tư phát triển hạ tầng. Phương án trả nợ vay từ khai thác các nguồn lực từ đất đai dọc các tuyến vành đai cao tốc và vùng phụ cận. Và nghiên cứu các hình thức đầu tư khai thác khác ngoài PPP, như hình thức thanh toán bằng tiền trả chậm cho nhà đầu tư mà chúng ta đã có cái tiền lệ là cầu Sài Gòn 2 và từ đó có để xuất cấp có thẩm quyền ban hành cái cơ chế được thực hiện”
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Cường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi cũng mạnh dạn kiến nghị là thành phố đẩy nhanh việc nghiên cứu và bổ sung quy hoạch đối với các cảng biển nước sâu tại khu vực Cần Giờ, như chúng ta thấy Thành phố Hồ Chí Minh trong quy hoạch thì không có cảng nước sâu từ đây đến năm 2030, và cảng biển Cần Giờ là cảng tiềm năng sau năm 2030, nên tin tưởng với sự quyết tâm của Thành phố về tiếp tục làm một trung tâm lớn về logistics và về cảng biển, thì việc bổ sung quy hoạch đối với cảng biển nước sâu tại khu vực Cần Giờ, là một điều kiện quyết định để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì là trung tâm logistics, cũng là một trong những điều kiện để chúng ta xây dựng thành công cái chiến lược về trung tâm tài chính”.
TP mong muốn Diễn đàn logistics là nơi quy tụ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp logistics sẽ cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề thời sự của ngành logistics Thành phố; từ đó, cùng đưa ra các giải pháp phát triển ngành logistics tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thành phố.
Tại Diễn đàn, Thành phố rất mong muốn được lắng nghe ý kiến rộng rãi của các cơ quan bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và kỳ vọng qua Diễn đàn hôm nay, những ý kiến góp ý, đề xuất của quý vị sẽ là cơ sở quan trọng giúp Thành phố kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn để ngành logistics Thành phố phát triển mạnh mẽ, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của Thành phố.
Bên cạnh đó TPHCM cũng mong muốn hoạt động này sẽ trở thành thường niên cho các năm tiếp theo và là địa chỉ quen thuộc, tập hợp trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành để cùng bàn luận và đưa ra tiếng nói chung để ngành logistics Thành phố ngày càng phát triển.