Hành trình xây dựng thương hiệu cà phê Việt từ nông sản

VOH - Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận là người xây dựng nên thương hiệu Meet More chỉ từ nguồn nguyên liệu nông sản Việt. Để có thành công hôm nay, anh đã không ngừng sáng tạo, học hỏi và đổi mới.
Hành trình xây dựng thương hiệu cà phê Việt từ nông sản 1

Host: Câu chuyện cà phê Meet More được bắt đầu như thế nào?

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận: “Thực ra thì đối với tôi, khởi nghiệp không phải là từ sản phẩm như hiện nay. Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi đã khởi nghiệp ở những lĩnh vực khác, thương hiệu Meet More và sản phẩm cà phê từ nông sản này thì cũng là rất tình cờ. Khi đó, tôi đang là Chủ tịch của doanh nghiệp Sài Gòn Asia và đã đưa một số đối tác nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản, đến Việt Nam để tìm nguồn nguyên liệu xuất khẩu.

Sau khi dẫn họ đến các vùng nguyên liệu như vậy, chúng tôi nhận thấy rằng chúng đang bị bỏ đi rất lãng phí. Họ nói với tôi rằng nước họ không trồng được thanh long mà phải mua từ nước mình, trong khi đó chúng ta lại bỏ đi. Chính những điều này đã thúc đẩy suy nghĩ và làm động lực cho tôi. Khi họ đặt ra những câu hỏi như vậy cũng là lúc chúng tôi bắt đầu nghiên cứu.”

Host: Tại sao là Meet More mà không phải một tên nào khác?

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận: “Từ câu chuyện như vậy, chúng tôi đã sản xuất ra các sản phẩm từ nguyên liệu nông sản của Việt Nam và chọn tên thương hiệu là Meet More. Cái tên này có nghĩa là "sự gặp nhau", tức là tất cả mọi vấn đề đều được kết nối, giải quyết và đàm phán hay thương lượng gì đó.

Không những gặp nhau để giải quyết công việc mà còn có nhiều ý nghĩa khác. Chẳng hạn như có thêm cơ hội tốt khi hai đối tác gặp nhau, hai bạn bè gặp nhau hay thậm chí là tình yêu.

Thứ hai nữa là tôi muốn mục tiêu đưa nó ra thế giới. Và một khi đạt được điều đó, nó sẽ cần một cái tên phù hợp để mọi người dễ gọi hơn.”

Hành trình xây dựng thương hiệu cà phê Việt từ nông sản 2

Host: Nhưng tại sao anh lại chọn cà phê? Không phải là trà, không phải là gạo hay thứ khác?

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận: “Thực ra khi chúng tôi nghiên cứu, đã có nhiều giải pháp, nhiều phương án để giải quyết vấn đề về nông sản đang bị ứ đọng của bà con. Cuối cùng, chúng tôi quyết định chọn cà phê là chính với nhiều ý nghĩa khác nhau.

Ý nghĩa thứ nhất là nhu cầu uống cà phê trên thế giới đang rất cao. Chúng ta cần phải phá vỡ cái tư duy truyền thống về việc uống cà phê thì phải là đắng, đậm đặc như hiện tại.

Trong thế giới ngày nay, người ta không quan trọng điều đó mà họ tìm kiếm giá trị thương hiệu của cà phê. Chẳng hạn như cà phê mà nước ta đang xuất khẩu đang có giá trị thấp hơn so với các loại cà phê như Starbucks.

Mặc dù chúng ta không phải là một quốc gia chuyên sản xuất cà phê, nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định lấy nó làm nền và đưa nông sản vào để tạo thêm giá trị cho cà phê của mình.

Ý nghĩa thứ hai là để giải quyết vấn đề tồn đọng nông sản của bà con chúng ta. Mỗi khi mùa vụ đến, chúng ta lại phải đi “giải cứu”. Nông sản của Việt Nam đa dạng và có rất nhiều loại nông sản tốt cho sức khỏe, rất giàu dinh dưỡng, chẳng hạn như đậu xanh.

Chúng tôi đã kết hợp những loại củ quả của Việt Nam vào trong cà phê hiện nay. Cà phê khoai môn và những loại cà phê trái cây khác như xoài hoặc dừa đã được chúng tôi đưa vào sản phẩm.”

Host: Những ngày đầu tiên đưa sản phẩm ra thị trường, cảm xúc của anh như thế nào?

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận: “Năm 2017, chúng tôi nghiên cứu và bắt đầu có những lô đầu tiên vào năm 2018. Tuy nhiên, không may và cũng có thể là vào thời điểm đó, tôi quá tự tin vào khả năng của mình khi tung sản phẩm ra thị trường.

Ban đầu, chúng tôi chọn đối tượng là những người thích uống cà phê truyền thống. Nhưng khi chúng tôi mời họ uống hoặc tổ chức sự kiện để họ thưởng thức, gần như chúng tôi bị phản ứng rằng đây không phải là cà phê. Thị trường Việt Nam không chấp nhận loại thức uống này.

Lúc quyết định tiếp tục làm thì phần lớn gia đình, bạn bè và các doanh nghiệp thân thiết với chúng tôi cho rằng sẽ không thành công, không nên làm vì đó không phải là cà phê và trái cây cũng không ra trái cây. Điều này làm tôi bị nản lòng rất nhiều. 

Trước đó, tôi luôn muốn đuổi theo một mục tiêu hoặc những phân tích về thị trường của mình và vẫn tự tin vào khả năng của bản thân.

Tôi vẫn nghĩ rằng đối với một đất nước như Hàn Quốc, họ chỉ có mỗi nước gạo. Nhưng họ đã làm nó trở thành một thương hiệu khá tốt và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Vậy tại sao chúng ta có sẵn nguyên liệu như vậy mà không biến nó trở thành một loại nước dinh dưỡng phục vụ cho 90 triệu dân của chúng ta! Hơn nữa, chúng ta còn có thể xuất khẩu nó đi khắp các nước trên thế giới. Vì thế, chúng tôi không bỏ cuộc mà chỉ thay đổi phương pháp bằng cách tiếp cận các thị trường nước ngoài.”

Host: Anh đã bán sản phẩm như thế nào và đã gặp những thử thách, trở ngại gì trên hành trình ấy?

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận: “Đây là tư duy mà tôi nghĩ rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang mắc phải. Mỗi khi ra mắt sản phẩm, chúng ta thường chỉ tập trung vào thị trường nội địa và cố gắng bán tốt ở đây. Dĩ nhiên, cũng có thể thành công trong thị trường đó, nhưng không phải sản phẩm nào cũng dễ dàng thành công ngay được. 

Đôi khi, chúng ta phải bỏ rất nhiều chi phí vào marketing và đưa sản phẩm vào lòng người tiêu dùng, đặc biệt là đối với những sản phẩm mới lạ như sản phẩm của Meet More. Thị trường Việt Nam thời điểm đó gần như là hoàn toàn không thể tiếp nhận sản phẩm mới này.

Tôi may mắn khi trước đây đã có mối quan hệ với một số đối tác nước ngoài. Khi tôi ra mắt sản phẩm mới, tôi cũng đã tiếp cận họ và hiệp hội của nước ngoài. Họ sẵn lòng hỗ trợ và giúp đỡ tôi để hoàn thiện sản phẩm khi thâm nhập vào thị trường của họ.

Đó là một cơ hội tuyệt vời. Đầu tiên, nước mà tôi muốn nhắc đến là Hàn Quốc. Họ đã cho tôi thấy rằng Hàn Quốc chỉ có mỗi nước gạo thôi, nhưng vẫn thành công.”

Hành trình xây dựng thương hiệu cà phê Việt từ nông sản 3

Host: Với những doanh nhân khác cũng ước mơ và có sản phẩm tiềm năng, nhưng không tham gia Hiệp hội thì làm sao? Anh có gợi ý gì cho họ?

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận: “Cá nhân tôi nghĩ rằng ngoài việc có cơ hội, còn có rất nhiều yếu tố khác quyết định thành công, như may mắn, khả năng của bản thân và nội tại của doanh nghiệp. Một yếu tố quan trọng khác là chúng ta sẵn sàng đưa sản phẩm ra ngoài thế giới hay chưa. Liệu chúng ta chỉ đáp ứng được trong nước hay đã sẵn sàng vươn ra thế giới? 

Đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đang bị mắc phải một lỗi tư duy đó là chưa sẵn sàng. Cụ thể ở đây là chưa sẵn sàng về mặt tư duy, nguồn lực, máy móc và công nghệ. Đầu tiên chúng ta phải có tư duy thay đổi và chấp nhận văn hóa nước ngoài.

Đối với công nghệ, chúng ta có chủ đầu tư hay không, quy mô kể cả tài chính của chúng ta cũng phải phù hợp. Khi chúng ta đã thông thạo mọi việc từ một nước, thì tôi tin rằng các nước khác cũng sẽ đi theo rất dễ dàng.”

Host: Anh không chỉ bán cà phê hòa tan, cà phê trái cây và cà phê hạt truyền thống mà còn bán thương hiệu của mình tại Hàn Quốc. Anh có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này?

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận: “Thực ra từ đầu câu chuyện, những đối tác của tôi ở Hàn Quốc đã rất hứng thú với sản phẩm và thương hiệu của chúng tôi. Họ đã ngỏ ý muốn nhượng quyền để mở hàng loạt quán với thương hiệu Meet More tại Hàn Quốc, sử dụng các sản phẩm chúng tôi đang sản xuất.

Đây cũng là một kênh phân phối khá hay và đáng tự hào vì chúng tôi là người đầu tiên được nhượng quyền tại đây. Mặc dù thương hiệu của chúng tôi ở Hàn Quốc hiện tại vẫn còn ít, song gần đây đã nhượng quyền thêm được các mô hình sử dụng xe công nghệ tại Mông Cổ.”

Host: Được biết anh đã xuất hiện trên Amazon, một nền tảng kinh doanh hàng đầu thế giới. Anh làm thế nào để bước vào Amazon?

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận: “Câu chuyện về Amazon là một xu hướng chung của toàn cầu. Khi xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, chúng tôi phải tham gia vào một kênh thương mại điện tử của họ và đó chính là Amazon.

Chúng tôi có đặt các kho, các nhà phân phối cũng như đăng ký giấy phép ngay tại địa bàn. Sau cùng là đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận và mua hàng, và may mắn là mọi thứ đều đi đúng theo tiến độ.”

Host: Cảm ơn những chia sẻ của anh ngày hôm nay.

Trên hành trình khởi nghiệp ấy, doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận đã biến thử thách thành cơ hội. Thương hiệu Meet More không chỉ là câu chuyện về cà phê, mà còn là sự hòa quyện giữa nguồn nguyên liệu nông sản Việt và sự sáng tạo không ngừng.

Qua những khó khăn ban đầu và sự phản hồi không thể thiếu, anh đã vượt qua rào cản văn hóa, kết nối với thị trường quốc tế, từ Hàn Quốc đến Mông Cổ và nhiều quốc gia khác.

Tự tin, kiên nhẫn, và khả năng thích nghi đã giúp anh đưa thương hiệu Việt ra thế giới, thể hiện rằng mọi thách thức đều có thể trở thành bước đệm cho thành công.

Nội dung được trích từ Talkshow "Doanh Nhân Kể" phát sóng Nhịp Sống Sài Gòn - VOH FM95.6 lúc 9h thứ 3,4 hàng tuần, được dẫn dắt bởi host Nguyễn Trần Quang.

Bình luận