Ngành yến dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ và góp phần vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Mới đây, nhân dịp Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam tổ chức khánh thành Trung tâm Sơ chế Yến sào Việt Nam tại huyện Cần Giờ, phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn ông Lê Duy Minh - Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam về quá trình hoàn thiện chuỗi sản xuất yến sào Việt Nam để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu trong thời gian tới.
Yến sào là đặc sản Việt Nam có giá trị kinh tế cao.
* VOH: Yến Việt Nam là một thực phẩm có chất lượng, nhưng hiện nay việc phát triển thương hiệu yến Việt Nam để có tính bền vững còn gặp nhiều khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Ông Lê Duy Minh: Cách đây hơn 10 năm, Việt Nam chưa biết đến khái niệm nhà yến. Lúc đó tôi làm chủ nhiệm Câu lạc bộ trang trại TPHCM, đã cử anh em đi Malaysia, Indonesia và về phổ biến lại. Tuy nhiên, không ai tin là yến có thể nuôi. Chưa tới hơn 20 năm sau thì ngành yến Việt Nam phát triển một cách có thể nói vượt bậc.
Đến nay theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số liệu 2018 thì có khoảng trên 15.000 nhà yến và đặc biệt là phát triển về phía Nam. Bây giờ lên Tây Nguyên cũng phát triển được nhà yến nên triển vọng rất là tốt. Một số hội thảo kinh tế cũng khẳng định chất lượng yến Việt Nam là tốt nhất thế giới, kể cả Malaysia, Indonesia, Thái Lan… nhưng đầu ra còn rất manh mún và lúng túng. Tất cả các nhà yến bây giờ làm để bán vào thị trường tự do mà chưa ai xuất khẩu theo con đường chính ngạch.
15 tháng qua chúng tôi cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bằng mọi cách để tìm thị trường xuất khẩu với giá tốt hơn và quan trọng là xuất khẩu chính ngạch mới đem về ngoại tệ cho đất nước.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khánh Hòa 1 năm thu được khoảng 1,2 -1,5 tấn. Ngoài ra cũng tham gia vào chuỗi xuất khẩu. Một năm có khoảng 700 kg yến đảo nhưng người ta bán được 6.000USD/kg, tức khoảng 150 triệu/kg. Trong khi bà con ở khu vực mình đây chỉ bán khoảng 23 triệu.
Yến ở đây chúng tôi bán là 160 triệu. Cũng đăng ký thương hiệu AQ. A là chất lượng cao nhất, Q là vua và cũng trùng với cô Yến Quân thành ra kêu là Yến Quân và chủ yếu cũng bán thông qua đường du lịch (giống như là xách tay). Theo các cơ quan chức năng, nếu không có COVID-19 thì tháng 6 này sẽ có giấy phép xuất khẩu và Trung Quốc rất ủng hộ vì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 80 - 90% yến trên toàn thế giới. Yến được coi là thực phẩm chức năng cao cấp của Trung Quốc và được phân phối gần 500.000 cửa hàng dược phẩm, cho nên thương hiệu AQ của chúng tôi đăng ký ở Việt Nam và Trung Quốc.
* VOH: Đến nay đã có bao nhiêu doanh nghiệp tham gia đăng ký chuỗi xuất khẩu yến đến thời điểm này?
- Ông Lê Duy Minh: Để nằm trong chuỗi xuất khẩu, 1.263 nhà yến đăng ký được cấp giấy chứng nhận nhà yến Việt Nam uy tín và không riêng yến, nông nghiệp muốn làm ăn phát đạt và bền vững vẫn phải nằm trong chuỗi làm sao từ sản xuất cho tới tiêu dùng nằm trong 1 chuỗi nhất định thì bà con mình mới yên tâm có đầu ra, làm giá tốt hơn và phục vụ cho đất nước và cho xã hội.
* VOH: Trong thời gian tới để yến trở nên ngang tầm với các nông sản khác, đồng thời để phát triển và xuất khẩu yến bền vững thì Hiệp hội có kế hoạch như thế nào?
- Ông Lê Duy Minh: Hiện nay, chúng tôi đẩy mạnh thủ tục xuất khẩu đưa yến ngang tầm với những nông sản khác, xưa nay chưa được khai thác. Với thị trường 100 triệu dân - hiện nay chúng tôi chia ra nhiều phân khúc. Hiện có rất nhiều nhà yến đã bán cho thị trường trong nước nhưng người tiêu dùng không biết nó tốt tới cỡ nào. Cho nên chúng tôi muốn làm thương hiệu một tập đoàn yến Việt Nam ở trung tâm đây. Ngoài trung tâm sơ chế, chúng tôi dự tính xây khoảng 10 trung tâm như thế. Mỗi trung tâm mỗi năm là xuất khẩu 6 tấn yến sơ chế. 1 tấn là khoảng 6 triệu đô. Theo tinh thần là tháng 7 chúng tôi khánh thành trung tâm kiểm định yến sào Việt Nam. Tất cả yến muốn đi ra nước ngoài thì phải qua trung tâm này.
* VOH: Một số nhà yến tự phát trong thời gian qua có làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung ngành yến và giải pháp Hiệp hội đề xuất về quy hoạch nhà yến hiện nay như thế nào?
- Ông Lê Duy Minh: Với tư cách là Hiệp hội cũng như là các doanh nghiệp thì chúng tôi mong nghề yến được luật pháp công nhận là ngành nông nghiệp quan trọng của Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam đưa vào luật chăn nuôi khung pháp lý để các nhà yến có thể hoạt động. Nuôi yến tự phát xuất hiện 20 năm nay rồi, cho nên các tỉnh được giao nhiệm vụ quy hoạch. Ví dụ như, yến không cho nuôi trong khu dân cư và khoảng cách bao nhiêu thì có tỉnh làm được, có tỉnh thì cũng đang quy hoạch cố gắng, vì thực tế nó đã tồn tại rồi. Thời gian đầu làm nhà ở dưới, trên là yến, về vệ sinh và môi trường thì không thích hợp nhưng vì cuộc sống, bà con mình đã làm chẳng lẽ đập bỏ. Đó là một bài toán rất đau đầu của các cấp chính quyền mà hiện nay Chính phủ đã giao lại cho các tỉnh thành. Bộ thì chỉ làm về hướng dẫn và kiểm tra, Hiệp hội chúng tôi cũng bám theo để làm cho bà con hiểu thêm sâu và cái nào mới thì làm theo quy định, cái nào cũ thì từng địa phương sẽ có từng giải pháp cụ thể.
* VOH: Cám ơn ông.
Sau dịch Covid-19: 65% người tiêu dùng mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn - Trong và sau dịch Covid-19, người tiêu dùng dần cởi mở hơn với các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) với nhu cầu trải nghiệm mua sắm ngày càng đa dạng.
Gần 700 doanh nghiệp tham gia Chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020 - Sáng nay 2/7, Sở Công thương TPHCM phối hợp sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức Chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020 trong 4 ngày từ ngày 2-5/7 tại số 19 Đào Trinh Nhất, Quận ...