Kết nối giao thương giữa tỉnh Đắk Nông, Hậu Giang và TPHCM

(VOH) - Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa tỉnh Đắk Nông, Hậu Giang và TP.HCM.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông, tỉnh Hậu Giang và TPHCM liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, giúp doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông, Hậu Giang đưa các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, đặc trưng của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống kênh phân phối hiện đại như các siêu thị, trung tâm thương mại ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thành. Hôm qua (30/6) , Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa tỉnh Đắk Nông, Hậu Giang và TP.HCM.

Tại hội nghị kết nối giao thương, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã hai tỉnh Đắk Nông, Hậu Giang đã mang đến những mặt hàng là thế mạnh của tỉnh đến quảng bá như: cá thác lác rút xương, cà phê, hạt mắc ca, rau củ, mật ong, các sản phẩm OCOP, hữu cơ… Để tìm được những kênh phân phối và đối tác tiềm năng, hợp tác xã Ông Tám đã đem đến hội nghị kết nối giao thương lần này sản phẩm dưa lê, dưa lưới, nho. Anh Ngô Thăng Long, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Ông Tám tỉnh Đắk Nông cho hay, với diện tích vùng trồng là 4 hecta, sản lượng đưa ra thị trường hàng tháng là khoảng 5 tấn dưa lưới, cung ứng cho các đơn vị bán lẻ ở tỉnh và khu vực phía Bắc.

“Hợp tác xã Ông Tám chuyên về dưa lê, dưa lưới, nho trồng trong nhà kính, thì mình cũng đang triển khai sản phẩm mới trên thị trường hiện nay. Tôi mong muốn đưa sản phẩm này về khu vực TPHCM. Hiện tại chúng tôi cũng đưa sản phẩm này ra phía Bắc nhưng mức độ cạnh tranh lớn, thứ hai nữa là chi phí logictics hơi cao”, anh Ngô Thăng Long nói.

Điều rang muối của huyện Cư Yut tỉnh Đắk Nông cũng đến trưng bày tại sự kiện với mong muốn kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm tiêu thụ tại TPHCM. Bà Trịnh Thị Ngọc Vân, Giám đốc Công ty trách nhiệm nông sản Hà Vân cho biết, 1 ngày, nhà máy sản xuất được 1 tấn, 1 tháng có thể được 1 công tương tương từ 10 đến 25 tấn trở lại. “Hạt điều của tỉnh Đắk Nông rất béo, thơm, ngon, đặc trưng của nó là nhân. Vùng trồng ở đây năm bảy chục có khi cả trăm hecta mọc tự nhiên trên những quả đồi, những cây điều rất to, xanh tươi tốt. Đến mùa chín người ta đi nhặt chứ không cần phải hái. Điều không được hạt lép, vì rang muối phải là hạt đẫy, hạt ngon, người nông dân bán cho mình, mình có những sân phơi rất ngon, khô tự nhiên từ 4 đến 5 nắng xuống còn 13 độ mới vào kho được”, bà Trịnh Thị Ngọc Vân lý giải thêm.

Với 8 sản phẩm cá thác lác chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao của tỉnh Hậu Giang, gồm: khổ qua rừng nhân cá thác lác, bao tử cá ba sa nhân cá thác lác, chả cốm, chả cá trứng muối, cá thác lác rút xương tẩm gia vị, chả cá thác lác... bà Nguyễn Thị Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như tỉnh Hậu Giang cho biết: “Định hướng sắp tới của Kỳ Như là nâng cấp nhà xưởng đạt chất lượng tốt để nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn. Sản phẩm của mình đưa vào hệ thống siêu thị ngày càng nhiều hơn, hướng đến xuất khẩu”.

Đưa đặc sản Đắk Nông, Hậu Giang vào TPHCM: Mở đường tiêu thụ nông sản 1
Các hợp tác xã, doanh nghiệp đem đến hội nghị kết nối những mặt hàng là thế mạnh của tỉnh tại TPHCM

Tỉnh Hậu Giang hiện đã xây dựng thành công 5 nông sản chủ lực gồm: lúa, mít, chanh không hạt, cá thác lác, lươn, định vị thương hiệu tiêu thụ ở ba thị trường: nội tỉnh, vùng miền và xuất khẩu. Đồng thời, phát triển 4 loại nông sản đặc trưng, tiềm năng gắn với phát triển du lịch bao gồm: khóm, mãng cầu xiêm, mít ruột đỏ, cá dày. Ngoài ra, xây dựng 15 mô hình hợp tác xã và 3 liên hiệp hợp tác xã phát triển toàn diện, hoạt động hiệu quả.

“Xúc tiến thương mại, chúng tôi coi công tác này là nhiệm vụ số 1 của ngành công thương. Đặc biệt xúc tiến thương mại gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm theo nghị quyết của ban chấp hành tỉnh cũng như kế hoạch tỉnh về xây dựng đến năm 2025, ít nhất là có 5 sản phẩm có những thương hiệu được người tiêu dùng biết đến, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để người tiêu dùng biết đến hàng hóa nông sản của Hậu Giang” - ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho hay.  

Trong khi đó, Đăk Nông là một trong 5 tỉnh Tây nguyên có các điều kiện để phát triển các loại cây trồng tạo ra những mặt hàng nông sản có năng suất và chất lượng cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, hiện nay các loại nông sản tiêu biểu của tỉnh bao gồm các sản phẩm như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, khoai lan, ngô và nhiều cây ăn trái như: xoài, bơ, sầu riêng…. Những loại cây trồng trên đã sản xuất ra một lượng hàng hóa lớn đảm bảo tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Tuy nhiên, với đặc thù là một tỉnh có điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, hệ thống kênh phân phối hiện đại nhỏ lẻ, sức tiêu thụ tại địa phương còn thấp trong khi đó sản lượng từ cây trồng của tỉnh tương đối lớn cà phê 350 ngàn tấn, tiêu 60 ngàn tấn, điều 20 ngàn tấn các loại cây ăn trái như bơ 14 ngàn tấn, xoài 6000 tấn.

Ngoài các sản phẩm đặc trưng như cà phê, điều rang muối, hồ tiêu, ... hiện nay, địa phương này đã có thêm nhiều sản phẩm mới, có giá trị kinh tế cao như: Nấm đông trùng hạ thảo, trà mãng cầu, sô cô la, dầu shachi, ... góp phần đa dạng sản phẩm, tăng thu nhập cho doanh nghiệp, giải quyết thêm việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.

Mặc dù đa dạng về chủng loại, có chất lượng cao, tuy nhiên đầu ra của tỉnh này hiện nay không ổn định, chưa kết nối được với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, nông sản của tỉnh vào được hệ thống siêu thị nói chung và Saigon Co.op nói riêng rất ít. Trong khi đó, TP.HCM là địa phương có hệ thống doanh nghiệp, nhà phân phối hiện đại đa dạng, quy mô lớn, thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng. Vì vậy, các địa phương này phối hợp tổ chức hội nghị giao thương với mong muốn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Đăk Nông, Hậu Giang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng đẩy mạnh việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nhau cùng phát triển, kết nối đáp ứng cung cầu doanh nghiệp TP.HCM, Đắk Nông và Hậu Giang.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, TPHCM có thế mạnh là các hệ thống siêu thị hiện đại. Khi tiếp cận được hệ thống này, sẽ xây dựng được thương hiệu, quảng bá được sản phẩm đến với nhiều đối tượng khách hàng. Các siêu thị phải lựa chọn hàng hóa tốt nhất, chất lượng nhất để đưa lên quầy kệ. Vì vậy, các siêu thị luôn đòi hỏi sản phẩm đưa vào luôn có thương hiệu, điều kiện khắt khe về giá cả, chất lượng, cách thức giao hàng… Do đó, các nhà cung cấp cũng phải tính toán cân nhắc, có giải pháp phù hợp thì việc kết nối mới có hiệu quả.