Để thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM tổ chức Tọa đàm giới thiệu môi trường đầu tư thành phố Đà Nẵng hướng đến người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022 vào chiều 12/8 diễn ra tại TPHCM.
Là Thành phố biển, với vị trí địa lý quan trọng, Đà Nẵng được xác định là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của khu vực miền Trung Việt Nam, là thành phố cảng chiến lược, một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của vùng Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây với điểm kết thúc là Cảng Tiên Sa. Về định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng xác định mục tiêu trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống.
Trong những năm qua, Thành phố này đã từng bước huy động các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các chương trình, dự án trong nhiều lĩnh vực; làm cầu nối thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển quan hệ hữu nghị giữa thành phố với các địa phương nước ngoài. Đầu tư của kiều bào tại Đà Nẵng có chiều hướng tăng, quy mô của các dự án ngày càng mở rộng, phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
“Tọa đàm sẽ là dịp để thành phố Đà Nẵng chia sẻ nhiều hơn về chính sách thu hút đầu tư đến doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó hi vọng ngày càng có nhiều doanh nghiệp kiều bào chọn Đà Nẵng là nơi dừng chân để đầu tư, kinh doanh và làm cầu nối để hỗ trợ Thành phố kết nối với những nhà đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới...”, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng kỳ vọng.
Thông tin về những ưu đãi của Thành phố Đà Nẵng, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó trưởng ban Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Đà Nẵng cho hiết, Đà Nẵng miễn tiền thuê đất trong vòng 15 năm, 19 năm, 30 năm, 50 năm tùy thuộc vào tính chất loại hình dự án theo quy định của Chính phủ. Hiện nay, Thành phố rà soát xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đảm bảo đầu tư thu hút các dự án. Ngoài các hạ tầng thì Thành phố Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp đang hoạt động.
Thành phố đang quy hoạch khu công nghiệp hỗ trợ khu công nghệ cao với diện tích 58,53 hecta. Bên cạnh các ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ về các loại thuế thì Thành phố Đà Nẵng vừa ban hành chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như các chi phí về tư vấn, thành lập doanh nghiệp, mở website, chi phí đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển”.
Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM, ông Phùng Công Hùng, chia sẻ: “Hiện nay, các anh chị đang rất quan tâm đến việc đầu tư trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch cũng như nông nghiệp công nghệ cao. Buổi tọa đàm hôm nay, với sự góp sức của các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước để làm sao góp phần phát huy tiềm năng, khả năng sẵn có của mình, đem những ý tưởng, giải pháp để đầu tư cho thành phố Đà Nẵng cũng như TPHCM và các tỉnh thành phía Nam”.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp đã chia sẻ cơ hội đầu tư tại khu công nghệ cao Đà Nẵng và khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng... Ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch câu lạc bộ kết nối doanh nhân Việt Nam – Quốc tế, Chủ tịch 365 Group, doanh nghiệp quan tâm về logictics, kho hàng hóa, điện tử nêu nhu cầu hiện nay của doanh nghiệp: ”Chúng tôi hiện đang có nhu cầu là cần từ 2,5 hecta-10 hecta tập trung cho các kênh phân phối, xúc tiến online và các trung tâm về lưu trữ về hàng hóa thông minh. Nhu cầu này không chỉ ở TPHCM, Đà Nẵng mà còn ở Hà Nội. Qua buổi hôm nay mong được kết nối sâu hơn với các đối tác”.
Hiện có hơn 230.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Đức. Tại đây, các doanh nghiệp đa số làm trong ngành hoa, nail, nhà hàng, đóng góp không nhỏ cho Đức và hàng năm gởi kiều hối về Việt Nam khoảng 14 tỷ đô la Mỹ.
Ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài tại Đức đề xuất: “Tôi rất mong muốn đầu tư tại Việt Nam, nhưng con cái của tôi quốc tịch Đức. Tôi đầu tư về Việt Nam, nhưng tài sản tôi để lại thừa kế quốc tịch nước ngoài không được chấp nhận, thì tại sao tôi đầu tư ở Việt Nam. Tôi mong muốn chính sách thay đổi để người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài cũng được thừa kế tài sản của những người đi trước đã xậy dựng ở đây. Đây là chìa khóa để doanh nghiệp mạnh dạn về đầu tư tại Việt Nam”.