Khách châu Á chiếm 50% lượng khách lưu trú trong phân khúc khách sạn cao cấp Việt Nam

(VOH) - Việt Nam hiện là quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh thứ 6 thế giới và nhanh nhất châu Á.

Đây là số liệu được đưa ra tại buổi họp báo công bố Khảo sát ngành dịch vụ - khách sạn năm 2018 do Grant Thornton tổ chức tại TPHCM sáng 10/7. Theo đó, tổng lượng khách đến Việt Nam tăng 19% đạt 86 triệu lượt trong năm 2017, trong đó lượng khách quốc tế tăng 29% và khách nội địa tăng 18%.

Phó Nguyễn Huệ với rất nhiều khách sạn cao cấp.

Với lượng du khách ngày càng gia tăng, lĩnh vực lưu trú - khách sạn được dự báo sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Theo thống kê, trong năm 2017, Việt Nam có 79 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao đang hoạt động, với tổng số phòng lưu trú là gần 102.000 phòng.

Về giá phòng, kết quả khảo sát cũng cho thấy: giá phòng bình quân của khách sạn 5 sao tăng gần 5%, trong khi đó, của khách sạn 4 sao chỉ gần 1%. Về công suất phòng, nhìn chung mức tăng trưởng không cao, chỉ khoảng 5% ở cả 2 phân khúc khách sạn cao cấp trong diện khảo sát. Trong đó, khu vực Trung bộ có mức tăng trưởng cao nhất 7,5%, phía Bắc là 6,4% và khu vực phía Nam chỉ có khoảng 2,2%.

Bà Trịnh Kim Dung, Giám đốc Khối Dịch vụ - tư vấn Grant Thornton cho biết, khi nhìn vào cơ cấu doanh thu cho thấy sự khác biệt tương đối giữa các vùng Bắc- Trung - Nam. Doanh thu phòng và các dịch vụ phụ trợ, càng vào phía Nam thì các chỉ số này càng thay đổi. Doanh thu các dịch vụ phụ trợ ở phía Nam càng tăng lên, trong khi doanh thu phòng lại càng giảm xuống. Ở đây cũng cho thấy miền Trung và miền Nam có những dịch vu khác, dịch vụ ăn uống được sử dụng nhiều hơn ở miền Bắc.

Riêng ở miền Trung đây là khu vực mang tính nghỉ dưỡng nhiều hơn nên chi tiêu liên quan đến ăn uống và các dịch vụ khác cũng nhiều hơn. Ở miền Nam, đây cũng là một trung tâm thương mại với những dịch vụ tốt hơn như dịch vụ tiệc cưới, nhà hàng tốt hơn, hấp dẫn hơn ở miền Bắc.

Khách du lịch đến TP HCM.

Theo kết quả khảo sát về cơ cấu khách lưu trú ở Việt Nam không có sự biến động tương đối, tuy nhiên, trong vòng 5 năm ở đây đã có những thay đổi. Đại diện tổ chức này cũng cho hay, nếu từ năm 2012 trở về trước, nguồn khách du lịch Châu Âu thường là đối tượng chính của khách sạn từ 3-5 sao, thì đến nay, con số này ngày càng giảm dần. Khách châu Á đang là khách hàng chính của những khách sạn cao cấp từ 3-5 sao từ 40 - 45%.

Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thonrton dẫn chứng, đối với thị trường Việt Nam, khách Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 nguồn chính chiếm trên 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2017, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 48%, khách Hàn Quốc tăng trên 50% làm tổng lượng khách châu Á đến Việt Nam tăng mạnh và cũng khiến lượng khách từ châu Âu trở nên nhỏ đi. Sự dịch chuyển khách này là một trong những yếu tố làm thay đổi dịch vụ của các khách sạn ở Việt Nam.

Bên cạnh dòng khách quốc tế, khảo sát cũng cho thấy, lượng khách du lịch nội địa chi trả và lưu trú ở các khách sạn 4-5, kể cả các khu resort cao cấp, cũng ngày càng gia tăng. Bà Trịnh Kim Dung dẫn chứng, ở một số thị trường, như điểm đến mới nổi của Sapa, lượng khách Việt Nam đến ở các khách sạn cao cấp tại đây tăng lên. Tỷ lệ khách nội địa tăng hơn nhiều lần so với khách quốc tế. Mức độ chi tiêu của người Việt Nam cũng cao hơn cả những khách quốc tế đến chi tiêu ở khách sạn này. Đây là xu hướng đặc biệt, nên các nhà đầu tư trong nước rất quan tâm chú trọn nguồn khách này. Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ này dao động khoảng 20% là khách Việt Nam, 80% là khách quốc tế, còn số lượng tuyệt đối tăng lên đáng kể.

Vế số lượng đặt phòng, cấu trúc kênh đặt phòng trong năm 2017 không có nhiều thay đổi. Cụ thể, khách đặt phòng qua các công ty lữ hành hoặc nhà điều hành tour là phổ biến đối với phân khúc 4-5 sao, với tỷ lệ 33%. Tỷ lệ đặt phòng trực tiếp cũng giảm 1,6%. Điều này cho thấy, công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng kinh doanh của các khách sạn. 90% khách sạn tham gia khảo sát cũng cho rằng, việc tích hợp công nghệ số vào dịch vụ khách sạn sẽ làm thay đổi thị trường khách sạn Việt Nam, hướng đến tiếp cận khách hàng thời cách mạng công nghiệp 4.0.