Hội nghị có sự tham gia của 22 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI thuộc các lĩnh vực điện tử - điện, cơ khí chế tạo và ngành chế tạo kỹ thuật cao phục vụ y tế tham gia kết nối trực tiếp và kết hợp trực tuyến với hơn 100 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Đây là năm thứ 4 hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ diễn ra nhằm giúp các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu thị trường, công nghệ sản xuất mới, các tiêu chuẩn mới từ các nhà mua hàng là các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối... luôn có nhu cầu nội địa hóa, mở rộng chuỗi cung ứng, phát triển các chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.
Trong khuôn khổ sự kiện còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu trực tiếp các sản phẩm tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ. Cộng đồng doanh nghiệp có thể tham quan khu trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam sản xuất công nghiệp hỗ trợ... hay khu trưng bày sản phẩm của nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TPHCM; sản phẩm công nghiệp công và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TPHCM
Theo Ban tổ chức, sẽ có hơn 230 cuộc kết nối được sắp xếp tại sự kiện. Bên cạnh những đại điện quen thuộc thì hội nghị năm nay có sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI mới đến từ EU, Mỹ, Nhật như Rawlplug, Arevo Việt Nam, Premo, Einhell…Các doanh nghiệp tham gia hội nghị năm nay đưa ra danh mục hơn 400 chi tiết, linh kiện cần tìm nhà cung cấp trong nước thuộc các ngành nghề: điện, điện tử, cơ khí chế tạo cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot, tự động hóa…
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhìn nhận: “Sau một thời gian tổ chức, chúng tôi nhận thấy, các doanh nghiệp rất nỗ lực sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn, yêu cầu của doanh nghiệp FDI để tiếp cận được các công nghệ mà doanh nghiệp FDI chuyển giao. Qua từng năm, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp đã mạnh dạn đổi mới nhà xưởng, máy móc thiết bị để đáp ứng yêu cầu. Dần dần các nhà cung cấp và nhà đầu tư FDI cũng có điểm gặp nhau. Hy vọng trong thời gian tới, sự kết nối này sẽ mạnh hơn, tỉ lệ thành công sẽ cao hơn”.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan mong rằng cuộc gặp gỡ kết nối sẽ thành công và thành công thực tế. Các doanh nghiệp đầu cuối sẽ gặp được nhau để đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh nỗ lực của các đơn vị, chính quyền thành phố cũng sẽ làm hết sức mình để cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TPHCM phát triển.
“Hôm nay, chúng ta có khoảng 22 doanh nghiệp FDI và 22 doanh nghiệp ở đầu cuối tham gia trong buổi gặp gỡ, tìm kiếm này. Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, chính quyền Thành phố sẽ tạo điều kiện hết sức để công nghiệp hỗ trợ của Thành phố phát triển.
Tư duy phát triển của công nghiệp hỗ trợ của lãnh đạo Thành phố đã có gần 10 năm nay. Chúng tôi đang hình thành một khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, thiết kế và cung cấp để cung ứng các sản phẩm công nghệ cao cho công nghiệp hỗ trợ”, ông Võ Văn Hoan thông tin.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (24/11-25/11) với sự đồng hành của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI, các Ban quản lý các khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang; Sự kết nối tích cực của các dự án “Phát triển nhà cung cấp trong nước do nhóm Ngân hàng thế giới tài trợ”, Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ”, nhằm cùng hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, góp phần hình thành mạng lưới các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.