Khẩn trương chuẩn bị để hội nhập EVFTA thành công

(VOH) - Nâng cao năng lực cạnh tranh là nền tảng để hội nhập EVFTA thành công.

Đây là thông điệp tại cuộc tọa đàm chủ đề “EVFTA – Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tại TPHCM. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhằm sớm triển khai và thực hiện các nội dung liên quan vào hoạt động kinh tế - thương mại của Việt Nam.

Toàn cảnh buổi tọa đàm "EVFTA – Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ" - Ảnh: VGP

Trước đó, ngày 12/2/2020 theo giờ Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu thông qua. Với Hiệp định này, cả Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã trải qua một chặng đường đàm phán dài gần tròn 10 năm.

Về phía Việt Nam, các cơ quan liên quan đang triển khai các thủ tục để trình Quốc hội, dự kiến tại kỳ họp tháng 5 năm nay. Trường hợp Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp này và 2 bên thông báo cho nhau đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong tháng 6 thì Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Do đó, các bộ ngành đang có một khối lượng công việc rất lớn phải chuẩn bị để sẵn sàng các cơ chế, đảm bảo khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực là đi vào cuộc sống ngay.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: “Đầu tiên là cơ chế chính sách phải được đồng bộ hóa, phù hợp với cách chơi mới khi tham gia một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tức là nôm na là hài hòa quá trình cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính mà chúng ta đang thực hiện, hướng đến cách làm đã được quốc tế thừa nhận, một mặt nâng cao năng lực cạnh tranh mặt khác cũng tận dụng được những cơ hội của hiệp định. Đây là nhóm giải pháp rất lớn được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần tập trung xây dựng trong quá trình chuẩn bị”.

Cùng với sự chuẩn bị cơ chế chính sách từ phía Chính phủ thì cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động thích ứng với điều kiện hội nhập mới từ EVFTA. Theo đánh giá chung, nền kinh tế Việt Nam được nhìn nhận là đang đứng trước cơ hội "vàng" để nâng cấp trong các chuỗi giá trị toàn cầu bởi khi EVFTA có hiệu lực trong thực tiễn, nước ta sẽ phải xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình. Điều này tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU hiện nay của Việt Nam nhưng cũng gia tăng thách thức cạnh tranh ở thị trường trong nước.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp khuyến nghị: "Các doanh nghiệp phải chấp nhận đương đầu với sự cạnh tranh này và phải có những nỗ lực, cố gắng để nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể đương đầu với cạnh tranh chứ không thể chờ đợi vào sự bảo hộ. Lịch sử mở cửa cho thấy những lĩnh vực nào sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, mở cửa từ sớm, từ bỏ bảo hộ sớm thì hiện nay đang có năng lực cạnh tranh cao, còn những lĩnh vực vẫn luôn luôn trong sự "ôm ấp" của vòng tay bảo hộ thì không phát triển được".

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VGP

Tại TPHCM, các doanh nghiệp cũng đang có những động thái tích cực để sẵn sàng hội nhập khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực thi hành. Nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng, Hiệp định sẽ là đòn bẩy thúc đẩy ngành sản xuất công nghiệp - thương mại phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể chỉ số sản xuất công nghiệp của TPHCM trong tháng 1 giảm gần 4% trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất, cao su, nhựa giảm đến 2,7%. Riêng ngành chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ giảm hơn 24%, các ngành chế biến khác giảm 21%. Chỉ số sản xuất công nghiệp của TP giảm bởi số ngày làm việc trong tháng ít hơn do nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo dự kiến của các chuyên gia, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian tới các doanh nghiệp tại TPHCM cũng như của cả nước sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là nguyên liệu sản xuất và thị trường xuất khẩu. Trước tình hình này, TPHCM sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường và tìm nguồn nguyên liệu.

Sắp tới, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu - EVFTA được Quốc hội thông qua sẽ là cơ hội tốt để nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành chức tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, chuẩn bị tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu vào các thị trường này.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: "Hiệp định EVFTA sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới là cơ hội chúng ta nâng cao chất lượng hàng hóa made in Việt Nam. Chúng ta đã có chiến lược phát triển các sản phẩm chủ lực ngành công nghiệp, nông nghiệp. Chúng ta có đề án logistic, thương mại điện tử, tôi đề nghị chúng ta hoàn thành trong quý 1. Chúng ta rà các chính sách để làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh của của các sản phẩm chủ lực".

Phải nhận thấy rõ rằng, Liên minh châu Âu là một thị trường khó tính với những chuẩn mực cao nhất trên thế giới, nên để được hưởng những ưu đãi thuế quan vào thị trường này thì doanh nghiệp và sản phẩm phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng, quy trình sản xuất và cả nguyên liệu đầu vào của sản xuất.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: "Doanh nghiệp phải có nền tảng là năng lực cạnh tranh bền vững thì mới có thể hội nhập thành công trong EVFTA. Do đó, phải gia tốc những nỗ lực, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu… Trước mắt, doanh nghiệp phải tìm, phải hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại và phải hành động ngay. Phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng... để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra".