Chờ...

Khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ được người tiêu dùng?!

(VOH) - Ngày 25/3, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, trải qua hơn 10 năm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và văn bản hướng dẫn dưới Luật đã tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều sự thay đổi. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, nhiều quy định Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ còn phù hợp với các giao dịch kinh doanh truyền thống.

luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-khong-con-phu-hop-voi-thuc-tien-voh.com.vn-anh1
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.HCM (đứng) cho hay, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập.

“Chúng tôi thấy rằng có nhiều hoạt động diễn ra, nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ qua biên giới, rất nhiều tập đoàn, công ty điều chỉnh, trong khi quan hệ xuyên biên giới như vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật như thế nào? Thông tin người tiêu dùng là một thông tin rất quan trọng, lộ lọt quy định như thế nào để giảm, chi phí thực hiện cho doanh nghiệp không quá nặng, quy định như thế nào để tránh chồng chéo với hệ thống pháp Luật khác cũng là một yêu cầu lớn” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nêu vấn đề.

Hiện nay, vấn nạn hàng nhái, hàng giả đang tràn lan trên thị trường cả nước. Theo đại diện Nón Sơn, trước khi đưa ra thị trường, sản phẩm của doanh nghiệp được kiểm duyệt nghiêm ngặt, vừa đảm bảo chất lượng cho người tham gia giao thông, vừa mang dấu ấn thời trang riêng. Theo đó, Nón Sơn đã đăng ký bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều đối tượng dựa vào sự uy tín của Nón Sơn để sản xuất ra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn khi mua sản phẩm kém chất lượng.

“Người tiêu dùng cần chung tay cùng với các doanh nghiệp và cơ quan, đẩy lùi vấn nạn về hàng nhái hàng giả. Doanh nghiệp Nón Sơn khuyến cáo khách hàng nên trực tiếp đến cửa hàng có uy tín để mua sản phẩm đúng chính hãng. Còn hiện nay, một số cửa hàng và trang thương mại cũng bán sản phẩm giả mạo rất nhiều” - bà Nguyễn Ngọc Linh, đại diện Nón Sơn đề nghị.

luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-khong-con-phu-hop-voi-thuc-tien-voh.com.vn-anh2
Các chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số...

“Việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn..., do đó cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo để có hướng giải quyết, khắc phục nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp chân chính. Vì vậy, cần thiết phải tiến hành tổng kết, đánh giá tổng thể về quá trình triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản quy định chi tiết thi hành để từ đó có cơ sở đề xuất hoàn thiện chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới” - ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.HCM khẳng định.