Trong bối cảnh đó, Việt Nam một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đang được kỳ vọng sẽ trở thành nhân tố quan trọng góp phần giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực tại xứ sở hoa anh đào.
Giá gạo cao chưa từng có, kho dự trữ gần cạn
Theo ghi nhận của truyền thông Nhật Bản, giá gạo tại các siêu thị vọt lên hơn 4.000 yên/5kg, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Gạo cao cấp Koshihikari thậm chí có thời điểm chạm ngưỡng gần 5.000 yên (tương đương 825.000 đồng)/5kg mức cao hiếm thấy trong nhiều năm qua.
Nhiều kệ hàng trống trơn, trong khi kho dự trữ quốc gia đã giảm xuống mức 1,53 triệu tấn thấp hơn 400.000 tấn so với mức an toàn.
Cuộc khủng hoảng gạo hiện nay là hệ quả của một chuỗi yếu tố chồng chéo. Nắng nóng cực đoan mùa hè năm 2023 khiến sản lượng và chất lượng gạo sụt giảm.
Cùng lúc nhu cầu tăng mạnh do lạm phát, sự hồi phục của ngành dịch vụ ăn uống, du lịch hậu Covid-19 và dân số người nước ngoài tại Nhật tăng kỷ lục vào năm 2024. Tâm lý hoảng loạn càng đẩy tình hình vượt tầm kiểm soát sau khi có cảnh báo động đất Nankai Trough vào tháng 8/2024.
Nguyên nhân sâu xa nằm ở chính sách nông nghiệp “lỗi thời” mà Nhật Bản duy trì suốt hàng thập niên. Chính phủ trả tiền cho nông dân để giảm diện tích trồng lúa nhằm giữ giá cao, trong khi hệ thống phân phối lúa gạo do các hợp tác xã (JA) điều hành quá cứng nhắc không thể phản ứng kịp với biến động thị trường.

Giải pháp đối phó: Giải phóng kho dự trữ và thay đổi chính sách
Trước áp lực giá cả và dư luận, tháng 2/2025, Chính phủ Nhật quyết định xuất kho 210.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ khẩn cấp. Đến cuối tháng 4, chỉ khoảng 10% lượng gạo này tiếp cận được thị trường do nút thắt trong khâu xay xát phần lớn gạo dự trữ là gạo lứt cần chế biến thành gạo trắng mới tiêu thụ được.
Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) có bước đi mang tính bước ngoặt: cho phép bán gạo dự trữ theo “hợp đồng tùy ý”, trong đó chính phủ định giá thay vì để thị trường quyết định như trước đây. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy Tokyo sẵn sàng thay đổi để đối phó khủng hoảng.
Giữa lúc Nhật Bản đang “khát” gạo, Việt Nam nhà sản xuất gạo lớn thứ 5 thế giới nổi lên như một giải pháp lý tưởng. Đặc biệt, các giống gạo Japonica chất lượng cao của Việt Nam có thể đáp ứng khẩu vị và yêu cầu kỹ thuật của thị trường Nhật.
Với năng lực sản xuất quy mô lớn, chuỗi cung ứng ổn định và khả năng xuất khẩu quanh năm, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành “phao cứu sinh” cho cuộc khủng hoảng lương thực tại Nhật. Các doanh nghiệp Việt đã bước đầu tham gia xuất khẩu gạo chất lượng cao sang Nhật và được đánh giá tích cực.
Để mở rộng đáng kể xuất khẩu gạo vào Nhật, Việt Nam sẽ phải vượt qua rào cản cực lớn về tiêu chuẩn chất lượng. Nhật Bản áp dụng mức kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thuộc loại nghiêm ngặt nhất thế giới. Điều này đòi hỏi quy trình canh tác chuyên biệt, đầu tư cao và kiểm soát chất lượng khắt khe ngay từ khâu gieo trồng.