Chờ...

Kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo của DN vi phạm các quy định của pháp luật

VOH - Bộ công thương yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ràng buộc trách nhiệm của các DN thành viên trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gạo với khối lượng lớn là một tín hiệu tích cực cho ngành gạo. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp đưa ra mức giá thấp nhất trong số các doanh nghiệp tham gia đấu thầu đã dấy lên lo ngại về hiện tượng phá giá.

Untitled.2

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp Việt trúng thầu với giá thấp nhất

Từ chỗ cao nhất thế giới, gần đây giá gạo Việt Nam quay đầu giảm về thấp nhất trong top 6 nước xuất khẩu gạo hàng đầu.

Dữ liệu từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy chốt phiên ngày 30/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục giảm 4 USD so với phiên trước đó xuống 574 USD một tấn - thấp nhất trong top 6 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Theo số liệu từ Seasia Stats - trang thống kê về các nước Đông Nam Á - năm 2023, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Mỹ, Trung Quốc là những quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới.

Hiện, mỗi tấn gạo Việt thấp hơn hàng trăm USD so với gạo Mỹ, 46 USD so với Thái Lan và thấp hơn 19 USD so với hàng Pakistan, Myanmar.

Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã công bố kết quả nhập khẩu gạo tháng 5 với 90.000 tấn gạo từ các doanh nghiệp Việt Nam, chiếm phần lớn trong tổng số 150.000 tấn trúng thầu.

Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã trúng thầu 60.000 tấn với giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong các đơn vị trúng thầu và giảm 16 USD so với giá chào ban đầu. Ngoài Lộc Trời, các doanh nghiệp xuất khẩu khác cũng cho biết giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng giảm không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí, gạo có thể còn giảm thêm nếu Ấn Độ mở cửa xuất khẩu trở lại.

Hiện các doanh nghiệp sử dụng nguồn gạo từ Pakistan và Myanmar có giá trúng thầu cao hơn, từ 621,5 - 629 USD/tấn.

Ông Đinh Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho rằng lượng hàng tồn kho gạo trong doanh nghiệp còn lớn nên đẩy giá đi xuống. Ngoài ra, giá gạo còn tùy thuộc vào cung cầu. Theo dự báo của USDA (Bộ nông nghiệp Mỹ), nguồn cung lúa gạo trên toàn cầu có xu hướng tăng nên sẽ tác động lên giá lúa gạo xuất khẩu.

Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) cũng cho rằng nguồn cung hàng Việt khá dồi dào. Thêm vào đó, giá gạo xuất khẩu đang điều chỉnh sau một thời gian dài tăng cao.

Đầu vụ hè thu năm nay gặp mưa nên chất lượng giảm, nhiều khách hàng đang chờ chứ chưa mua lại nên giá quay đầu đi xuống.

Thế nhưng, ông Phạm Thái Bình, chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho rằng việc các DN xuất khẩu gạo Việt Nam hạ giá xuống thấp, kể cả thua lỗ, để trúng thầu xuất khẩu gạo là cạnh tranh nội bộ một cách rất tiêu cực.

Theo ông Bình, dù bất kỳ lý do gì, ngay cả việc bán lỗ để lấy tiền trả nợ vay ngân hàng và thanh toán tiền lúa cho nông dân, việc bỏ thầu giá thấp cũng gây thiệt hại rất lớn đến ngành hàng lúa gạo và ảnh hưởng đến quyền lợi của nông dân.

Rủi ro từ việc phá giá

Các chuyên gia cho rằng cần làm rõ đối với các doanh nghiệp trúng thầu, doanh nghiệp nào thuộc dạng thương mại (chỉ thu gom lúa của nông dân rồi xuất bán) và doanh nghiệp nào có tính sản xuất, có vùng nguyên liệu riêng. Các doanh nghiệp thương mại thường ký hợp đồng với nước ngoài rồi mới thu mua gạo trong nước, dẫn đến rủi ro khi giá gạo thu mua tăng cao.

Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định rằng Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu gạo với nhiều loại gạo ngon được đánh giá cao. Tuy nhiên, cần minh bạch giá gạo xuất khẩu và thành lập sàn giao dịch gạo để hài hòa lợi ích nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan.

Yêu cầu xác minh doanh nghiệp gạo Việt 'bỏ thầu giá thấp' xuất Indonesia

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã yêu cầu Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xác minh thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo 'bỏ thầu giá thấp'. Theo thông tin từ cơ quan truyền thông, trong đợt thầu ngày 21/5/2024 của Indonesia, một số doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống và trọng điểm của Việt Nam, nên cần bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu. Bộ Công Thương đã yêu cầu VFA làm việc với các doanh nghiệp trúng thầu để báo cáo chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu. VFA cũng phải tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu các hội viên thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, cạnh tranh và phòng vệ thương mại.

Kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp vi phạm

Tại cuộc họp về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản ngày 28/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động xuất khẩu gạo và rau quả. Ông đề nghị các hiệp hội ngành hàng cần chú trọng tuyên truyền, quán triệt tới hộ sản xuất, doanh nghiệp và hội viên đầy đủ và kịp thời về các chỉ đạo, chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề xuất các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu nông sản theo hướng bền vững, minh bạch, hiệu quả. Ông nhấn mạnh việc tái cơ cấu ngành lúa gạo, rau quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời làm tốt việc định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch và bảo quản.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo, rau quả nếu vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Điều này nhằm bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu theo hướng bền vững.