Chờ...

Hàng loạt nông sản Việt tỏa sàng trên thị trường quốc tế, giá lên đỉnh

VOH - Giá gạo, tiêu, cà phê cũng đang ở mức đỉnh, các loại rau củ quả tiếp tục tỏa sáng, nhất là trên thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20%; tiếp đến là Trung Quốc chiếm gần 19% và Nhật Bản chiếm gần 7%".

Giá gạo tiếp tục bứt phá

Giá gạo xuất khẩu thế giới đang tăng trở lại, gạo Việt tiếp tục đường đua giành "ngôi vương".

Giá gạo xuất khẩu bật tăng 1 - 5 USD/tấn, gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 585 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm tăng 1 USD/tấn lên mức 555 USD/tấn.

Với mức điều chỉnh này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lấy lại vị trí dẫn đầu. Hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 3 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 10 USD/tấn.

Với gạo 25% tấm, hiện gạo Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 23 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 13 USD/tấn; gạo 100% tấm của Việt Nam cũng đang cao hơn lần lượt 21 USD/tấn và 25 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan và Pakistan.

Cụ thể giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 585 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm tăng 1 USD/tấn lên mức 555 USD/tấn. Riêng gạo 100% tấm duy trì ổn định ở mức 470 USD/tấn.

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, gần đây giá gạo tăng nhẹ so với tháng trước vì những khách hàng lớn như Philippines và Indonesia tiếp tục mua. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: Do giá lúa gạo đang ở mức cao, nên các nhà thu mua rất cẩn trọng. Họ có tâm lý đợi khi thị trường lắng xuống, giá giảm mới tăng mua. Còn khi thị trường sôi động lại thì họ ngưng. Tuy nhiên, xét trong dài hạn, nhu cầu nhập khẩu gạo từ thị trường truyền thống vẫn còn tốt.

"Dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024" là nhận định chung của Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT tại hội nghị ngành lúa gạo mới đây ở TP.Cần Thơ. Để đáp ứng khoảng trống thị trường, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu sản lượng lúa cả năm 2024 đạt 43 triệu tấn. Với sản lượng này, tiếp tục đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn.

Theo số liệu hải quan trong 4 tháng đầu năm 2024, VN đã xuất khẩu đến 3,23 triệu tấn gạo các loại, tăng gần 12% về lượng và giá trị đạt gần 2,1 tỉ USD, tăng đến 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao 644 USD/tấn, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Dự kiến sản lượng lúa của Việt Nam đạt 43 triệu tấn năm 2024, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo.

Theo báo cáo “Triển vọng hàng hóa toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới, giá gạo toàn cầu khó có thể giảm trước năm 2025. Còn theo dự đoán của BMI - một đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions - mối lo ngại về nguồn cung có thể giảm bớt vào năm 2025. Khi hiện tượng thời tiết El Nino làm tăng nhiệt độ và giảm lượng mưa - chuyển sang La Nina, với lượng mưa cao hơn bình thường.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn. Tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn, như vậy, dự báo năm nay thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo.

Chuyên gia thị trường gạo quốc tế, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, cho biết: Hiện tại thị trường gạo thế giới vẫn ổn định, giá cao theo hướng có lợi cho các nhà xuất khẩu. Thời tiết bất lợi khi nắng nóng gay gắt bao trùm nhiều nơi, sau El Nino lại đến La Nina sắp xuất hiện, buộc các nước phải tính đến việc làm đầy các kho dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tránh biến động giá cả lương thực nội địa.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đưa ra dự báo khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 chắc chắn sẽ vượt 4,5 triệu tấn. Do đó, lượng gạo hàng hóa cần cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,22 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu này, có thể các doanh nghiệp sẽ phải nhập thêm gạo từ Campuchia để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục 5 tỷ USD.

Giá tiêu, cà phê cũng lập đỉnh mới

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 2,5 tỷ USD, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm trước.

z5414323868355_1fa0186c21801688f92ffb2d4220958d

Ảnh: PD

Nắng nóng gay gắt khắp nơi trên thế giới cũng đẩy cơn sốt giá cà phê lên tới mức cao chưa từng có của ngành này. Ngày 26.4, giá cà phê robusta trên sàn London (Anh) đạt 4.532 USD/tấn, một mốc lịch sử. Tại VN, giá cà phê nhân đạt tới 135.000 đồng/kg, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cà phê trong tháng 4 đạt sản lượng 148.000 tấn, kim ngạch 572 triệu USD; dù giảm đến 9,5% về sản lượng nhưng tăng tới hơn 42% về kim ngạch; đưa tổng xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên đến 726.000 tấn và kim ngạch 2,5 tỉ USD, lượng chỉ tăng 1% nhưng giá trị tăng đến 40%.

Sau khi lập kỷ lục hôm 26-4 với mức 4.304 USD/tấn và 135.000 đồng/kg ở thị trường nội địa, giá cà phê bước vào trạng thái "rơi tự do". Chưa đến 10 ngày, giá cà phê Robusta thế giới đã "bốc hơi" đến hơn 760 USD/tấn, trong khi giá nội địa giảm 24.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (VICOFA), cho biết: "Trong những ngày đầu tháng 5, tuy giá cà phê thế giới và nội địa giảm nhanh nhưng vẫn còn duy trì mức cao. Sự giảm giá này không quá bất ngờ vì Brazil - nguồn cung cà phê lớn nhất thế giới bắt đầu vào vụ thu hoạch. Năm nào cũng vậy vào tháng 5 giá sẽ giảm. Năm nay giá đã lên quá cao nên giảm mạnh cũng là điều bình thường. Dân trong ngành thì vẫn nói đùa, những cơn mưa chuyển mùa xuất hiện nhiều hơn ở Tây nguyên những ngày qua cũng góp phần làm "giải nhiệt cơn sốt giá" cà phê. Theo nghĩa rằng có nước tưới, sản lượng tăng thì giá sẽ hợp lý hơn".

“Khi giá cà phê biến động mạnh, nông dân, thương lái, đại lý và DN xuất khẩu cần hạn chế tối đa việc "mua xa, bán xa" (tức mua hàng khi vụ mùa chưa tới - thường gọi là "mua lúa non", hoặc bán trước, giao hàng sau - PV) để tránh rủi ro. Bởi lẽ, khi giá cà phê biến động mạnh, việc thực hiện hợp đồng này sẽ khiến một bên thua lỗ nặng. Trường hợp xảy ra tranh chấp hợp đồng, người mua và người bán nên cùng nhau thỏa thuận để chia sẻ rủi ro, tránh thiệt hại dồn về một phía.” ông Nguyễn Nam Hải cho biết thêm.

Giá tiêu hôm nay 6/5 trong khoảng 103.000 - 104.000 đồng/kg. Sau quãng thời gian tăng nóng của cà phê, thị trường tái lập lại vị thế giá tiêu cao hơn cà phê.

Hiện giá tiêu các nước cũng đang khởi sắc. Nhiều chuyên gia nhận định sản lượng năm nay giảm khoảng 10 - 12%, ước tính 170.000 - 180.000 tấn.

4 tháng đầu năm, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu hồ tiêu đạt 83.783 tấn, với kim ngạch hơn 353 triệu USD. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 25.000 tấn hồ tiêu. Làm một phép tính đơn giản thì 8 tháng cuối năm, xuất khẩu hồ tiêu chỉ còn khoảng 120.000 tấn trong bối cảnh dự trữ các vụ mùa trước đang ở mức rất thấp cho năm nay.

Tính từ đầu năm, giá tiêu trong nước tăng trung bình 22.000 đồng mỗi kg. Nhận định về thị trường tuần này, chuyên gia cho biết, cà phê vẫn trên đà giảm. Hồ tiêu được hưởng lợi từ dòng tiền đầu cơ chảy từ cà phê sang. Do đó đà tăng của thị trường tiêu trong nước tuần này còn mạnh.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị VN, so sánh: Thời điểm cách đây một năm, giá hồ tiêu ở mức 67.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã tăng lên trên 100.000 đồng/kg, tương đương mức tăng trên 44%. Một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy giá hồ tiêu tăng là do nguồn cung hạn chế trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng VN. "Tôi đi khảo sát nhiều vùng trồng hồ tiêu thì bà con cho rằng hiện nay có nhiều loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn nên giá hồ tiêu phải ở mức cao họ mới tiếp tục trồng. Dự báo thời gian tới giá tiếp tục tăng, sẽ giúp ngành hàng hồ tiêu cán mốc 1 tỉ USD xuất khẩu trong năm nay", bà Liên cho hay.

Nhiều mặt hàng nông sản chính tăng trưởng cao

Cùng với cà phê, tiêu và lúa gạo, rau củ quả cũng là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù cả nước đang đối mặt với thời tiết khô hạn khắc nghiệt nhưng ngành sản xuất rau quả xuất khẩu vẫn vượt kỷ lục. Những ngày đầu tháng 5, lượng hàng hóa lưu thông qua các cửa khẩu phía bắc vẫn hết sức nhộn nhịp.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp Hội rau quả Việt Nam - cho biết, xuất khẩu rau quả tiếp tục bùng nổ nhờ mặt hàng sầu riêng (chiếm hơn 40% tổng kim ngạch của ngành) vẫn giữ giá bán cao. Năm ngoái, Việt Nam đã trồng được sầu riêng trái vụ nhưng sản lượng chưa nhiều, song năm nay nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có kinh nghiệm hơn trong sản xuất, nhờ đó sản lượng sầu riêng trái vụ tăng 30-40%.

Đặc biệt, Trung Quốc tiếp tục tăng thu mua rau quả Việt Nam khi xuất khẩu trong quý đầu năm sang thị trường này uớc đạt gần 760 triệu USD, tăng 32,4%.

som-hoan-tat-thu-tuc-dua-sau-rieng-viet-nam-sang-an-do_64ffe952b824f

Ảnh Minh họa Internet

Theo nhận định của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, triển vọng xuất khẩu ngành rau quả trong năm 2024 tiếp tục có diễn biến tích cực, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, Việt Nam đang có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này như: sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây…

Nói về diễn biến nhảy vọt của ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), chia sẻ: "Thời tiết năm nay khô hạn khốc liệt, nhưng các vùng trồng cây ăn trái "né" được. Đầu tiên vụ thu hoạch sầu riêng nghịch vụ ở miền Tây diễn ra vào tháng 1 - 2 đầu năm khi thời tiết còn mát mẻ. Đến khi nắng nóng và khô hạn tăng lên thì việc thu hoạch cũng đã cơ bản hoàn tất. Mặt hàng bị ảnh hưởng bởi khô hạn nhiều nhất là thanh long nghịch vụ tại Bình Thuận, có nhiều vườn thiếu nước tưới, diện tích năng suất giảm, nhưng bù lại giá bán lại tăng cao gấp 3 lần, tính ra kim ngạch xuất khẩu lẫn thu nhập của nông dân vẫn được đảm bảo".

Nông sản VN xuất khẩu đang có một bức tranh với gam màu tươi sáng, tích cực. Đây là một cơ hội rất lớn cho nông dân và cả phía doanh nghiệp. Từ mỗi phía, cần tận dụng và có những năng lực, lợi thế, phát huy khác nhau để tạo cho toàn ngành phát triển.